Tổng Bí thư Tô Lâm có thể thực hiện cách mạng hệ thống chính trị hay không?

Ngày 24/11, tác giả Đinh Hoàng Thắng có bài bình luận trên Diễn đàn của VOA Tiếng Việt “Nếu Tổng Bí thư Tô Lâm muốn cách mạng hệ thống chính trị…”.

Tác giả đề cập đến phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 19/11, tại phiên họp tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ban hành từ năm 2017, bởi Ban Chấp hành Trung ương khóa 12. Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc đổi mới, tinh gọn và sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, là nhiệm vụ trọng yếu, và là một cuộc cách mạng, đòi hỏi quyết tâm cao nhất cùng hành động quyết liệt từ toàn hệ thống.

Thế nhưng, theo tác giả, 7 năm đã trôi qua kể từ khi Nghị quyết số 18 được ban hành, thực tế cho thấy, 70% ngân sách quốc gia vẫn phải dùng để duy trì bộ máy Đảng và nhà nước. Điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc: Vì sao Nghị quyết không mang lại hiệu quả như mong đợi?

Tác giả đánh giá, điều bất thường có lẽ nằm ở việc Tổng Bí thư Tô Lâm đang phải gồng mình, “kháng cự một cách mãnh liệt” trước các lực cản bảo thủ trong nội bộ Đảng. Nếu mạnh tay, ông có thể phải đối mặt với những hệ lụy khôn lường. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh rằng, những người dám “đổi mới triệt để”, đều dễ bị chính bộ máy mà họ muốn cải cách nghiền nát. Đấy là chưa kể đến các thế lực đã vứt bỏ chủ nghĩa Mác – Lê từ lâu, nhưng vẫn thường xuyên kích động, o ép nội bộ Việt Nam “không được quên nguyện ước ban đầu, khắc ghi sứ mệnh chung…”.

Tác giả cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng đã ban hành hàng loạt nghị quyết, với kỳ vọng tái cấu trúc hệ thống và nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, nhưng bộ máy vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả.

Thế giới đang chuyển động với những thay đổi địa – chính trị quyết liệt. Sự dịch chuyển quyền lực sang khu vực “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” mang đến cho Việt Nam cả cơ hội lẫn thách thức, để khẳng định vị thế. Chính quyền mới “Trump 2.0” cùng nhiều quốc gia khác, đang cân nhắc các chính sách đối với Việt Nam, dựa trên 2 yếu tố: Vai trò địa – chính trị và năng lực tự cải cách.

Tác giả cho rằng, nếu Việt Nam không thể chứng minh được khả năng đổi mới và tự cường, thì những kỳ vọng chiến lược này có thể sẽ bị giảm sút, đồng nghĩa với việc mất đi nhiều lợi ích lớn lao về kinh tế, ngoại giao, và an ninh.

Đây chính là thời điểm để thực hiện “Đổi mới-2” – một cuộc cải cách toàn diện mở ra Kỷ nguyên mới cho Việt tộc.

Tác giả nhận định, chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm đang diễn ra, là một lời nhắc nhở thâm hậu. Malaysia từng đối mặt với khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội, nhưng đã vươn lên nhờ cải cách. Bài học từ Malaysia không chỉ về dân chủ hóa, mà còn là việc thiết kế một hệ thống chính trị linh hoạt, minh bạch, và gắn kết với lợi ích thực sự của người dân.

Vẫn theo tác giả, “Đổi mới-2” phải mang trong mình bản lĩnh ấy: Không chỉ cải cách bộ máy, mà còn cải cách tư duy và văn hóa lãnh đạo, đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết!

Hệ thống chính trị hiện tại, như một cơ thể đang mang trọng bệnh: Nếu không có các biện pháp “hóa trị” hay “phẫu thuật” tận gốc, mọi giải pháp vá víu chỉ mang tính tạm thời. Bởi cả 3 yếu tố: thể chế, hạ tầng và nhân lực đều trong tình trạng “báo động đỏ”.

Tác giả kết luận, một thể chế dù ưu việt đến đâu, cũng không thể tự làm sạch, nếu thiếu sự giám sát thực chất từ nhân dân. Khi ý Đảng và lòng Dân tìm lại được tiếng nói chung, một bộ máy tinh gọn, hiệu quả sẽ không còn là điều xa vời. Nếu Tổng Bí thư Tô Lâm muốn để lại một di sản thực sự, ông cần nhìn xa hơn những giải pháp tạm thời, đặt nền móng cho một Việt Nam dân chủ, hiện đại và thịnh vượng. Và điều này sẽ mở ra con đường cho tương lai đất nước.

 

Xuân Hưng – thoibao.de