Ngày 20/11, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên, có vi phạm, khuyết điểm. Trong đó, ông Vương Đình Huệ – cựu Chủ tịch Quốc hội, và ông Nguyễn Văn Thể – cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bị kỷ luật; còn ông Võ Văn Thưởng, tuy cùng tội với ông Huệ, nhưng lại được “hưởng án treo”, chưa chính thức kỷ luật, với lý do “chữa bệnh”.
Ở chế độ này, sức khỏe lãnh đạo luôn được xem là “bí mật quốc gia”. Chính quy định quái gở này đã giúp rất nhiều quan chức, dù không đủ sức khỏe nhưng vẫn điều hành đất nước. Thực ra, mục đích chính của giới quan chức là kiếm chác từ chiếc ghế mà họ nắm giữ, để làm giàu, để làm vốn buôn bán ghế cao hơn.
Bí mật hóa sức khỏe lãnh đạo, cũng là cách để các “đồng chí” dễ dàng thịt nhau hơn. Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng dựng nên phe phái để đánh nhau trong Đảng, từ năm 2011, thì đã xuất hiện nhiều cái chết bí ẩn, như: ông Phạm Quý Ngọ, ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Chí Vịnh và ông Lê Văn Thành…
Những cái chết này, theo báo chí nhà nước thì do bị bệnh, còn theo tin tức ngoài luồng, thì đấy là do các “đồng chí” thuốc nhau.
Khi giữ bí mật về sức khỏe lãnh đạo, thì một lãnh đạo không có bệnh, cũng có thể tìm cho mình một bệnh án, rồi từ đó qua mặt pháp luật và Đảng luật. Thực tế, một số quan chức đang khỏe mạnh, nhưng sau khi “xộ khám”, thì bất ngờ trình hồ sơ bệnh án, chứng minh bản thân có bệnh và xin được giảm án.
Nay, ông Thưởng lấy lý do chữa bệnh để tránh bị kỷ luật. Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu ông Thưởng bệnh thật hay chỉ giả vờ. Nếu bệnh thật, vậy thì bệnh của ông là tự nhiên, hay do “đồng chí” thuốc?
Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, ông Thưởng bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Nếu đây là sự thật, thì lại phát sinh thêm nhiều câu hỏi mới. Bởi vì bệnh ung thư có thời gian ủ bệnh rất dài, trước khi đến giai đoạn cuối. Trong thời gian ủ bệnh ấy, ông Thưởng vẫn được hưởng chế độ chăm sóc y tế đặc biệt, dành cho lãnh đạo cấp cao. Chẳng lẽ, ông không được phát hiện sớm để chữa trị, mà để đến tận giai đoạn cuối? Bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm, cơ hội được chữa khỏi rất cao.
Gần đây, những căn “bệnh lạ” do các “đồng chí” đầu độc nhau, có diễn biến rất nhanh. Thời gian từ khi trúng độc đến khi từ giã thế gian, chỉ tính bằng tháng. Ông Nguyễn Bá Thanh, ông Nguyễn Chí Vịnh đều phát bệnh rồi qua đời trong thời gian rất ngắn. Đáng nói, các biểu hiện bệnh của ông Thanh và ông Vịnh, được cho là khá giống với ông Aleksandr Valterovich Litvinenko -điệp viên FSB bị Putin đầu độc bằng Polonium 210, và đã chết vào ngày 23/11/2006, tại London.
Hầu hết các quan chức cấp cao bị bệnh hiểm nghèo mà phát hiện muộn, thì rất có thể, đấy không phải là bệnh tự nhiên, mà là do các “đồng chí” thuốc nhau.
Nếu ông Võ Văn Thưởng không có bệnh, mà chạy được hồ sơ bệnh án để tránh kỷ luật, thì cũng rất khó qua mặt được Tô Lâm. Dù sao, ông Thưởng cũng đã ngã ngựa, không thể trở lại chính trường, nên dính thêm vết nhơ kỷ luật cũng chẳng ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông, vì nó đã kết thúc.
Ông Thưởng còn rất trẻ, ông ngồi ghế Chủ tịch nước khi mới 53 tuổi, và ngã ngựa khi chỉ mới 54 tuổi, chưa đủ tuổi về hưu. Bệnh hiểm nghèo không chừa bất kỳ ai, cho dù là lãnh đạo cấp cao hay thường dân. Có điều, là lãnh đạo cấp cao, được hưởng chế độ chăm sóc y tế đặc biệt, nên có điều kiện thăm khám và phát hiện sớm bệnh ung thư.
Ở chế độ này, việc một “Tứ trụ” mà chỉ vừa phát hiện bệnh, thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối, là một câu hỏi to tướng. Điều này khiến người dân càng nghi ngờ hơn về nguyên nhân gây ra bệnh.
Vậy, Võ Văn Thưởng bị bệnh thật hay giả vờ? Bị bệnh tự nhiên hay “bị thuốc”? Thời gian sẽ làm rõ.
Thái Hà – thoibao.de