Cựu Thường trực Ban Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đinh Thế Huynh, sau hơn 6 năm biến mất khỏi chính trường, bất ngờ xuất hiện để nhận huy hiệu 50 năm tuổi đảng tại thủ đô Hà Nội.
Ông Đinh Thế Huynh là một chính khách Việt Nam có tên tuổi, từng được coi là “cánh tay phải” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Huynh từng được đánh giá là một trong những nhân sự “kế cận” cho chiếc ghế người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi Tổng Bí thư Trọng rút lui.
Việc Thường trực Ban Bí Thư Đinh Thế Huynh đột ngột biến mất khỏi chính trường từ năm 2017, đã gây ra nhiều nghi ngờ, cũng như nhiều đồn đoán khác nhau về lý do sự biến mất bí ẩn này. Nhưng không có lời giải đáp chính thức từ chính quyền Việt Nam.
Tháng 7/2017, nhà báo Huy Đức, một nhân vật thạo tin “cung đình” từng tiết lộ, ông Đinh Thế Huynh sau khi sang Nhật Bản chữa bệnh, đã trở về Việt Nam. Ngay sau đó, một số nguồn tin cho rằng, sự vắng mặt của ông Huynh có thể liên quan đến các biến động chính trị trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cụ thể, ông Đinh Thế Huynh được cho là có mối quan hệ thân thiết với ông Đinh La Thăng và Trần Đại Quang, trong nhóm đồng hương Hà Nam Ninh. Đây là phe cánh trong Đảng được xem là đối thủ chính trị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau Đại hội Đảng 12, đầu tháng 7/2016, cơ quan tình báo Trung Quốc đã phát hiện nhóm chính trị này, do Chủ tịch nước Trần Đại Quang cầm đầu, đang bắt tay nhau chuẩn bị kế hoạch muốn loại bỏ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mục đích là để ông Trần Đại Quang trở thành Tổng Bí thư, còn ông Đinh Thế Huynh sẽ nắm chức vụ Chủ tịch nước.
Lập tức, chiến dịch thanh trừng do Bắc Kinh và Tổng Bí thư Trọng chính thức bắt đầu. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng là người được ông Trọng nhắm vào đầu tiên. Ông Thăng được coi là cánh tay mặt của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời là ông vua ở quá xa tầm kiểm soát của phe ông Trọng.
Nhân vật thứ 2, đó là Trần Đại Quang, đương kim Chủ tịch nước. Tuy nhiên, ông Quang còn rất nhiều các đàn em ở Bộ Công an, cũng như ông Quang là một nhân vật “Tứ trụ”, khiến Tổng Trọng không thể công khai đánh đổ. Ông Trọng đã nhờ lãnh đạo Bắc Kinh ra tay xử lý.
Nhân vật cuối cùng là ông Đinh Thế Huynh, vốn là tay chân thân cận của ông Nguyễn Phú Trọng, nên việc xử lý rất dễ dàng. Đến ngày 2/3/2018, Bộ Chính trị quyết định cho ông Huynh thôi giữ chức vụ, để tiếp tục chữa bệnh dài hạn. Bên cạnh đó, ông Trần Quốc Vượng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được phân công đảm nhiệm vai trò Thường trực Ban Bí thư thay thế ông Huynh.
Những thông tin kể trên cho thấy, ông Đinh Thế Huynh đã mất vị thế chính trị, do liên quan đến các cuộc đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc Tổng Bí thư Trọng triệt hạ ông Đinh Thế Huynh và phe cánh, nhưng không thể dùng lý do “phản đảng”, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn cho công luận thấy sự tranh giành quyền lực trong nội bộ.
Với sự tiếp tay từ phía Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát hiện và ra tay triệt hạ, giúp củng cố quyền lực cho ông. Số phận của ông Đinh Thế Huynh là một minh chứng cho việc đấu đá hết sức khốc liệt trong nội bộ chính trường Việt Nam.
Việc ông Đinh Thế Huynh sau khi sang Nhật chữa bệnh, và sau đó được đưa ra an dưỡng tại Phú Quốc, nơi được coi là “pháo đài” của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo giới quan sát, sự xuất hiện trở lại của ông Đinh Thế Huynh lần này đã cho thấy, ông Ba Dũng đang lôi kéo, và tập hợp thêm lực lượng ủng hộ cho Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de