Ngày 14/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC ở Peru, Chủ tịch nước Lương Cường đã bất ngờ lên tiếng, gián tiếp chỉ trích nhiệm kỳ cầm quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Cường phát biểu rằng, bảo hộ, chiến tranh thương mại, sẽ chỉ dẫn đến suy thoái và nghèo đói.
Ông Trump sẽ là Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ – cường quốc số 1 thế giới. Việt Nam lại đang có quan hệ với Mỹ rất tốt, đặc biệt là về thương mại. Xuất siêu của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng đều hằng năm, và là thị trường mà Việt Nam thu nhiều ngoại tệ về nhất, trên 50 tỷ đô la mỗi năm. Nhờ có thị trường Mỹ, Việt Nam mới bù đắp được lượng ngoại tệ chảy sang thị trường Trung Quốc. Có thể nói, xét về mặt kinh tế, thị trường Mỹ đóng vai trò như phao cứu sinh cho nền kinh tế Việt Nam.
Trước khi lên Chủ tịch nước, ông Lương Cường đã có “chuyến đi chầu” Bắc Kinh. Có thể thấy, thông điệp rõ ràng của ông, là chọn Bắc Kinh làm chỗ dựa cho sự nghiệp chính trị của mình. Vì thế, có lẽ, ông Lương Cường lợi dụng Hội nghị APEC để công kích Tổng thống Mỹ, để làm vừa lòng Bắc Kinh chăng?
Lời chỉ trích của ông Cường, dù chỉ là gián tiếp, nhưng không thể giấu được trước hàng trăm tờ báo quốc tế. Chưa rõ, ông Donald Trump và bộ sậu của ông sẽ phản ứng thế nào, vì ông chưa vào Nhà Trắng.
“Ngoại giao cây tre” là một chính sách ranh ma, “gió chiều nào theo chiều đó”, không tính đến những hậu quả có thể phải gánh chịu lâu dài. Đây là một chính sách rất tai hại. Sự vuốt đuôi của ông Lương Cường đối với Bắc Kinh, chẳng khác nào “cầm đèn chạy trước ô tô”, bởi mối quan hệ giữa ông Trump và ông Tập như thế nào, hiện vẫn chưa rõ. Liệu họ sẽ đối đầu hay bắt tay?
Trước đây, cựu Tổng thống Mỹ Nixon từng bắt tay với Mao Trạch Đông của Trung Quốc, khiến cho Việt Nam Cộng hòa rơi vào thế kẹt. Vậy, giả sử, ông Donald Trump không đối đầu với Tập Cận Bình, mà lại bắt tay với ông chủ của Trung Nam Hải, thì sẽ ra sao?
Khi đó, rõ ràng, phát biểu của ông Lương Cường sẽ khiến cả Bắc Kinh và Washington đều không hài lòng.
Trước mắt, ghế của ông Lương Cường còn khá chông chênh. Tuy ông tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Bắc Kinh, nhưng liệu Bắc Kinh có chọn ông hay không?
Thông thường, Bắc Kinh chọn người có quyền lực thực sự, chứ không chọn một người chỉ có một chức danh mang tính lễ nghi, như Lương Cường. Bởi Tập Cận Bình cần người có thể điều khiển được cả Đảng Cộng sản Việt Nam, hoặc chí ít, cũng phải là thủ lĩnh một phe mạnh, trong chính trường đầy lộn xộn của Việt Nam.
Hiện nay, phe Tô Lâm vẫn đang mạnh nhất, và ông đang nắm giữ chức Tổng Bí thư, ông cũng từng có những chuyến đi triều kiến Bắc Kinh. Đặc biệt, ngay sau được bầu làm Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã chọn Bắc Kinh làm nơi công du đầu tiên.
Nếu ông Lương Cường muốn được chọn, thì ông phải thể hiện sức mạnh ở trong nước, ít nhất phải cân bằng được với thế lực công an của Tô Lâm. Vì thế, để muốn Bắc Kinh tin dùng, thì Lương Cường cần bắt tay với Phan Văn Giang, để tạo ra một liên minh “tứ trụ và lực lượng vũ trang” như Tô Lâm. Khi đó, may ra ông mới được ông Tập để ý.
Có lẽ, ông Lương Cường cũng nhận ra việc cần làm, nên ông đã đưa các ông Phan Văn Giang, Phạm Ngọc Hùng, Trần Công Chính, đi cùng trong chuyến thăm Chile. Đây có thể được xem là cơ hội bàn bạc việc riêng của phe quân đội.
Trong chuyến đi Nam Mỹ này, ông Lương Cường có 1 hành động đúng và 1 hành động sai. Hành động đúng là việc kéo bè kết cánh phe quân đội, để củng cố sức mạnh cho ghế Chủ tịch nước. Hành động sai là chỉ trích ông Trump quá sớm, khi chưa biết rõ chính sách của ông đối với Bắc Kinh.
Ở ghế Chủ tịch nước, nếu đi vài nước cờ bất cẩn, thì rất có thể, tuổi thọ của ông trên chiếc ghế này không cao. Có lẽ, ông Lương Cường cần cẩn thận hơn.
Hoàng Phúc – Thoibao.de