Cơ chế “kiểm soát quyền lực” sẽ quyết định thành bại của cải cách lần 2

Ngày 23/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Những thách thức và triển vọng cuộc cải cách lần 2 thế nào?”, của tác giả Doãn An Nhiên.

Theo tác giả, cuộc cải cách lần này chỉ tập trung vào cải cách thể chế, để thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, với tính chất “từ bên trên” xuống, lần cải cách này sẽ “mạnh mẽ”, có ý nghĩa quan trọng, và sẽ “đụng chạm” đến lợi ích của một bộ phận quan chức trong hệ thống chính trị.

Nếu “Đổi mới” tránh cho chế độ rơi xuống bờ vực sụp đổ, thì lần cải cách này nhấn mạnh vào thịnh vượng về kinh tế.

Tác giả nhắc đến “ước tính” của ông Lê Kiên Thành, cho rằng, 1/3 số quan chức “bảo thủ” với vỏ bọc ý thức hệ và sự chuyên chế nhà nước, hưởng lợi quyền và tiền từ những bất cập thể chế, chính là thách thức lớn nhất đối với cải cách “từ bên trên”.

Các nhà quan sát đã chỉ ra rằng, Việt Nam đang ở vào giai đoạn thoái trào của chu kỳ phát triển, trong đó, tăng trưởng GDP cao nhưng trồi sụt và giảm tốc sau mỗi thập kỷ. Gắn liền với xu hướng này là vấn nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng và lan rộng, hậu quả là cả hệ thống chính trị, bộ máy lãnh đạo và quản lý trì trệ, đạo đức quan chức xuống cấp…

Tác giả liệt kê một số điểm chính mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập thời gian qua:

Một, “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình” để phát triển, vượt qua giai đoạn “trì trệ” của bộ máy;

Hai, “Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng…” là phương châm hành động;

Ba, nội dung chủ yếu của cải cách “từ bên trên” để bước vào kỷ nguyên mới, gồm 7 nhóm giải pháp chính sách: Về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; Về tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; Về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Về chuyển đổi số; Về chống lãng phí; Về công tác cán bộ; Về kinh tế;

Bốn, một trong mục đích cải cách là hướng đến bộ máy Đảng là “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”…

Tác giả cho rằng, có vô số những điều cần bàn thảo, để có thể thiết kế một chương trình cải cách cụ thể.

Tuy nhiên, bài học lớn nhất sau 40 năm Đổi mới, đó là, triết lý và nguyên tắc cải cách là kiểm soát quyền lực, mà nếu xa rời nó, thì kết quả sẽ không bền vững, chỉ nhất thời.

Tác giả đề cập đến “cuộc cách mạng thầm lặng” của Đặng Tiểu Bình, gồm 4 điểm chính.

Một là, thay thế chế độ cai trị độc đoán cá nhân, bằng nguyên tắc lãnh đạo tập thể;

Hai là, bãi bỏ nạn sùng bái cá nhân, và thay bằng một triết lý thực dụng: “Tìm kiếm sự thật từ thực tế”;

Ba là, giới hạn nhiệm kỳ và thể chế hóa sự kế nhiệm;

Bốn là, chế độ nghỉ hưu bắt buộc.

Tác giả đánh giá, các nguyên tắc này vận hành đúng qua 4 thế hệ lãnh đạo, cho đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012… Ông đã phá vỡ các chuẩn mực trên, tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư ở nhiệm kỳ thứ 3, viết lại lịch sử, thay đổi Hiến pháp để có thể cai trị trọn đời… Nếu coi ông Đặng Tiểu Bình là người mở đầu, thì ông Tập Cận Bình có lẽ sẽ là người kết thúc chu kỳ thịnh suy của chế độ tập quyền, với những dấu hiệu quay lại kiểu lãnh đạo dưới thời Mao.

Tác giả nhận định, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “vi phạm” những quy tắc tự kiểm soát tha hóa quyền lực của chế độ tập quyền toàn trị, khi vận dụng 2 lần “trường hợp đặc biệt”, quá tuổi và 3 nhiệm kỳ.

Ngoài cách Đảng  “tự kiểm soát” quyền lực dưới chế độ toàn trị, thì trên thế giới còn có nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng quyền lực” trong chủ nghĩa tư bản, ở đó, tự do thị trường tạo ra những động lực to lớn và sự sáng tạo thúc đẩy sự phát triển.

 

Minh Vũ – thoibao.de