Nghị định 147 đe dọa tài chính và tự do của người dân

Ngày 23/11, RFA Tiếng Việt có bài: “Người dân sắp mất cả tiền lẫn tự do vì nghị định 147”.

Theo đó, RFA cho biết, Nghị định 147 sắp có hiệu lực, sẽ như “chiếc đinh đóng vào quan tài”, đánh dấu thêm một bước thắt chặt đối với tự do ngôn luận tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, ngay cả túi tiền của người dân cũng nằm trong diện bị kiểm soát.

Thị trường kinh doanh qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội đã phát triển bùng nổ trong những năm gần đây.

Trước thực tế đó, Nghị định 147 được xem như một bản nâng cấp từ các nghị định trước đây, mở rộng và cụ thể hóa các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn trong bối cảnh công nghệ hiện đại, đặc biệt nhắm mục tiêu vào các dịch vụ mạng xã hội.

Theo RFA, Nghị định 147 mở rộng phạm vi giám sát về nội dung, bao gồm cả nội dung trong các livestream, và quảng cáo trên không giang mạng, vốn là những hình thức bán hàng online của cả triệu người.

Người dùng mạng xã hội nước ngoài như Youtube, Facebook… phải xác minh danh tính. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước như Zalo, ZingMe… phải yêu cầu người dùng cung cấp thêm số định danh cá nhân. Đặc biệt, chỉ những tài khoản đã được xác minh danh tính đầy đủ mới được phép đăng tải thông tin, bình luận hoặc livestream.

Ngoài ra, thông tin định danh cá nhân của người dùng sẽ được lưu trữ, và có thể được cung cấp cho cơ quan chức năng, như Bộ Thông tin Truyền thông, hoặc Bộ Công an khi được yêu cầu.

RFA dẫn lời đại diện từ Cục An ninh mạng, ông Nguyễn Tiến Nam, khi trả lời VTV, cho biết “Việc xác thực tài khoản giúp cơ quan chức năng xác định danh tính thực sự đứng sau tài khoản, hỗ trợ tốt cho quá trình điều tra và xử lý vi phạm”.

RFA cũng dẫn lời một nhà hoạt động về quyền bảo mật thông tin cá nhân,  yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, cho rằng, các điều khoản về thu thập và lưu trữ cũng có vài mặt tích cực:

“Việc lưu trữ thông tin sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất dữ liệu khi cần thiết, để điều tra các hoạt động vi phạm pháp luật, bảo vệ an toàn xã hội; Dễ dàng xác định danh tính người dùng để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội như lừa đảo, xâm hại, tung tin giả mạo”.

Tuy nhiên, cũng theo nhà hoạt động giấu tên, việc thu thập quá nhiều thông tin cá nhân sẽ vi phạm quyền riêng tư của người dùng, tiềm ẩn rủi ro nguy cơ thông tin cá nhân bị rò rỉ, hack, dẫn đến các vấn đề như lừa đảo, mạo danh v.v…

Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể lạm dụng quyền lực để truy cập trái phép vào thông tin cá nhân của người dân, gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận và các quyền khác.

Vẫn theo RFA, một số quy định khác được đánh giá là công cụ siết chặt sự quản lý của nhà nước đối với người dùng internet, bao gồm:

  • Những tài khoản bị xác định là đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, hoặc xâm phạm an ninh quốc gia sẽ bị khóa vĩnh viễn, theo yêu cầu của các bộ ngành liên quan.
  • Đối với các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong nước, người dùng bị cấm  đăng tải nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí.

RFA dẫn lời ông P., 24 tuổi, ở Sài Gòn, cho rằng, việc đánh đồng hoạt động báo chí với đăng bài có nội dung như báo chí là việc đánh tráo khái niệm, công dân có quyền tự do tiếp cận cũng như đăng tải thông tin, và chịu trách nhiệm với thông tin của mình đăng tải:

“Việc cấm công dân đăng tải thông tin dưới dạng báo chí là đánh đồng hoạt động báo chí, cần được cấp phép, với hoạt động cung cấp thông tin tự do dưới mọi hình thức của công dân”. 

Trong khi đó, nhà hoạt động giấu tên cho rằng, điều quan trọng nhất là nhà nước cần phải ban hành luật quy định rõ ràng, để ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực của các cơ quan công quyền. Những nghị định hay luật về quản lý sử dụng internet hiện nay, giống như công cụ đàn áp tự do ngôn luận trên không gian mạng, hơn là để bảo vệ người dùng.

 

Ý Nhi – thoibao.de