Ngày 27/11, VOA Tiếng Việt có bài: “Nhiều người mong việc “tinh gọn bộ máy” thời Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thực chất, hiệu quả”.
Theo đó, VOA cho hay, Những tuần gần đây, sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm công bố chủ trương xây dựng hệ thống chính trị “tinh, gọn, mạnh, hiệu quả…”, nhiều người dân trong nước bày tỏ trên mạng xã hội, họ ủng hộ và hy vọng chương trình của ông sẽ thực chất và thành công.
Mới đây nhất, hôm 25/11, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp bất thường, trong đó xác định rằng thực hiện “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, được xem là một “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”.
Theo VOA, tại cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra yêu cầu phải “thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính”, bộ máy mới sau khi được tinh gọn phải “tốt hơn bộ máy cũ”, và đi vào hoạt động ngay, để không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Theo quan sát của VOA, những quan điểm và lời chỉ đạo của ông Lâm nhận được nhiều sự tán đồng, ủng hộ, hy vọng từ người dân, thể hiện trên các diễn đàn mạng xã hội, hay các trang cá nhân của những Facebooker có đông người theo dõi như Quy Hoạch Toàn Quốc, Mạc Văn Trang, Lưu Trọng Văn, Huỳnh Ngọc Chênh, Hà Phan, Nguyen Khanh Trinh, …
VOA dẫn lời nhà báo đã nghỉ hưu Chu Vĩnh Hải, nhận định, “Tôi tin tưởng rằng Tổng Bí thư Tô Lâm có thể thực hiện tương đối tốt đến tốt việc tinh giản bộ máy”, và đưa ra những lý do theo góc nhìn cá nhân:
“Tổng Bí thư Tô Lâm là người rất thực tiễn. Từ khi ông lên làm Chủ tịch nước rồi Tổng Bí thư, ông có cách nhìn không lý thuyết, ý thức hệ, mà bằng con mắt của người kỹ trị, hành động. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tinh giản bộ máy thì hoàn toàn có cơ sở để hy vọng”.
VOA dẫn lời cựu nhà báo, cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong, chỉ ra rằng, bên cạnh ông Tô Lâm, cũng cần ghi nhận một nhân vật nữa đã đi đầu về cải cách bộ máy, là ông Phạm Minh Chính ở thời điểm còn làm Bí thư của tỉnh Quảng Ninh, trước khi trở thành Thủ tướng.
“Bài học kinh nghiệm trong việc cải tổ bộ máy của Bộ Công an của các tỉnh, thành phố khác, càng làm ông Tô Lâm thêm quyết tâm phải cải tổ bộ máy hành chính hiện nay, đang rất cồng kềnh, kém hiệu quả” – ông Phong đưa ra quan sát.
Vẫn theo VOA, cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thông nhà nước chưa công bố cụ thể cơ cấu các bộ và các tỉnh, thành sẽ được thu gọn, sáp nhập… ra sao, hay khung thời gian là như thế nào.
Ông Phong chia sẻ thông tin chưa chính thức mà ông có được cho thấy vào khoảng quý 1 năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thành đề án sáp nhập các bộ, ngành, các tỉnh, thành, và từ đó sẽ dành 1 năm rưỡi để thực hiện, với dự báo sẽ có nhiều hệ lụy mà các nhà chức trách phải giải quyết, nếu không thì “chết dân”.
Vẫn cựu nhà báo này cho rằng, các nhà hoạch định chính sách đang thận trọng, chưa công bố thông tin chi tiết còn vì một số lý do khác:
“Việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng rất to lớn đến tư tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên, vì anh đang từ cấp trưởng xuống cấp phó, đang từ cấp phó xuống cấp phòng. Và sẽ không loại trừ các yếu tố tiêu cực. Đó là khiếu kiện, là lợi dụng việc sáp nhập để đẩy đuổi những người không ăn cánh”.
Ông Hải nhận định: “Việc cải cách bộ máy có nhiều vấn đề nhạy cảm, cho nên họ còn đang ném đá dò đường, vì Tổng Bí thư Tô Lâm mới lên, thời gian còn ngắn. Nhưng rõ ràng là dư luận rất ủng hộ việc Tổng Bí thư Tô Lâm tinh giản bộ máy”.
Tin tưởng công cuộc này sẽ thành công, ông Phong tiên đoán Việt Nam sẽ có bộ máy “tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp, ít người, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, của người thi hành công vụ”.
Ý Nhi – thoibao.de