Cần loại bỏ tư duy “Không quản được thì cấm” và “chống diễn biến hòa bình”

Ngày 27/11, Blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt bình luận, “Không quản được thì cấm” với chống “diễn biến hòa bình”.

Theo đó, tác giả cho hay, trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15, ngày 21/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một tư tưởng quan trọng: “Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.

Đây là lần đầu tiên vấn đề này được người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra một cách trực diện, trong khuôn khổ nghị trường quốc gia, nhằm hướng đến đổi mới công tác lập pháp, khơi thông nguồn lực, và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, tư duy “không quản được thì cấm” không chỉ tồn tại ở một số lĩnh vực cụ thể, mà còn là biểu hiện của một phương thức quản lý còn nhiều bất cập, tạo ra hệ lụy sâu rộng trong xã hội, ảnh hưởng lớn đến cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại.

Tác giả nhắc lại, trong quá khứ, Việt Nam từng chứng kiến không ít các lệnh cấm gây tranh cãi, điển hình như các quy định: cấm “ngực lép lái xe”, áp dụng “xe biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ”, hay yêu cầu xử phạt xe “không chính chủ”.

Những chính sách này, dù được đề xuất với mục tiêu quản lý cụ thể, lại thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn, gây ra nhiều bất tiện cho người dân. Hậu quả là chúng bị hủy bỏ sau khi gặp phải làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, vấn đề không chỉ dừng lại ở các quy định hành chính cụ thể, mà còn lan rộng sang những chính sách mang tính hệ thống, như cách triển khai chiến lược “chống diễn biến hòa bình”. Cách tiếp cận này – vốn thiên về kiểm soát chặt chẽ thay vì thích nghi linh hoạt, lại vô tình gây ra những hệ lụy không mong muốn.

Hệ quả đầu tiên và rõ ràng nhất của các định hướng tư tưởng này chính là việc thu hẹp quyền tự do ngôn luận, và không gian đối thoại công khai. Thay vì điều hướng truyền thông theo hướng chuyên nghiệp và minh bạch, các cơ quan quản lý thường đồng nhất các ý kiến trái chiều, hoặc phê bình với “âm mưu chống phá” từ “các thế lực thù địch”.

Ngoài ra, việc lạm dụng khái niệm “chống diễn biến hòa bình” để hạn chế các ý kiến phản biện hợp lý, còn tạo ra một văn hóa “sợ sai” trong đội ngũ cán bộ quản lý. Thay vì khuyến khích đổi mới và dám nghĩ dám làm, tâm lý an phận và “né tránh trách nhiệm” dần chiếm ưu thế, khiến các chính sách trở nên trì trệ, thiếu hiệu quả.

Theo tác giả, thay vì khuyến khích sự phản biện lành mạnh, một số chính sách đã bóp nghẹt tự do ngôn luận, tạo ra tâm lý sợ hãi trong xã hội, và triệt tiêu sự đa dạng tư tưởng. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu tuyên bố của ông Tô Lâm trước Quốc hội rằng, “phải từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, có thật sự phản ánh sự chuyển biến trong tư duy lãnh đạo? Liệu những phát ngôn này có đồng nghĩa với việc thúc đẩy minh bạch hóa, chống lại việc lạm dụng quyền lực? Hay đó chỉ là những tuyên bố mang tính biểu trưng?

Vẫn theo VOA, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 đã gây chú ý mạnh mẽ. “Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” là một tuyên bố mang ý nghĩa chuyển giai đoạn, nếu tuyên bố đó được thực hiện.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là liệu ông Tô Lâm, với tư cách một “Đại tướng An ninh” quen thuộc với các biện pháp chế tài, có thực sự đồng nhất với hình ảnh của một “Tổng Bí thư” Tô Lâm như cách phát biểu tại nghị trường đã gợi lên?

Liệu lời nói của ông có chuyển hóa thành hành động cụ thể hay không, khi các cơ quan an ninh, dưới sự chỉ đạo của ông, hiện vẫn đang bị chỉ trích vì áp dụng những biện pháp thắt chặt tự do tư tưởng, và phản biện xã hội?

 

Quang Minh – thoibao.de