Việc Bộ Chính trị họp và ra quyết định kỷ luật đối với ông Vương Đình Huệ và ông Nguyễn Văn Thể, vào ngày 20/11 vừa qua, cho thấy, ông Tô Lâm đang “tận diệt” đối thủ – những thế lực có thể sẽ gây khó cho ông, trên con đường thâu tóm quyền lực.
Thậm chí, Tô Lâm còn tỏ ra nhẫn tâm hơn cả ông Nguyễn Phú Trọng. Bởi ông Trọng không thịt Nguyễn Tấn Dũng, sau khi đối thủ đã ngã ngựa.
Đảng Cộng sản Việt Nam xem Bộ Công an là lá chắn bảo vệ chế độ, là thanh kiếm để đàn áp dân và bảo vệ Đảng. Họ coi ngành công an quan trọng đến mức, hằng năm, Đảng duyệt cho Bộ Công an ngân sách gấp 16 lần Bộ Y tế hoặc Bộ Giáo dục. Sức khỏe cho dân, trí thức cho dân, không bằng lưỡi kiếm của chế độ.
Qua đó để thấy, Đảng đã nuông chiều Bộ Công an như thế nào.
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư, ông đã dùng Bộ Công an làm công cụ để đấu đá nội bộ. Từ đó, Bộ Công an càng được ưu ái hơn, không chỉ về ngân sách, mà còn về quyền được điều tra các “đồng chí”, để giúp ông Trọng thanh trừng.
Từ chỗ được toàn Đảng ủng hộ, rồi được cố Tổng Bí thư nuông chiều, là cơ hội ngàn vàng để Tô Lâm nuôi quân nhiều năm. Với 8 năm trên cương vị Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đã xây dựng nên bộ khung Hưng Yên dày đặc trong Bộ Công an, khiến Bộ Công an trở thành cơ quan của riêng của Tô Lâm.
Ông Nguyễn Phú Trọng chết đi, kho dữ liệu đen khổng lồ được tích luỹ qua nhiều năm đem đến cho Tô Lâm lợi thế to lớn. Ông muốn thịt ai là ra tay luôn, mà không sợ bị phản đòn. Chỉ cần 2 đường quyền nhẹ nhàng, Tô Lâm đã hạ được 2 “Tứ trụ” trong vòng chưa tới 40 ngày, và nghiễm nhiên bước lên ngai vàng, thống trị toàn Đảng.
Dù Vương Đình Huệ túc trí đa mưu, còn có cả nhóm Nghệ An hậu thuẫn, vậy mà bị Tô Lâm đánh cho ngã ngựa, rồi bồi tiếp cho không còn đường chống đỡ. Ông Huệ gặp họa, cả nhóm Nghệ An với hàng chục uỷ viên Trung ương Đảng, cùng 2 uỷ viên Bộ Chính trị, cũng đành phải bất lực.
Cho đến thời điểm này, thì cả Bộ Chính trị gần như bất lực trước Tô Lâm. Từ “Tứ trụ” đến Bộ Chính trị, bất kỳ ai nằm ngoài nhóm lợi ích của Tô Lâm, thì cũng đều thấp thỏm lo sợ, không biết khi nào Lương Tam Quang đến “hỏi thăm”.
Chiếc phao duy nhất có thể cứu lấy phần còn lại trong Bộ Chính trị thoát khỏi Tô Lâm, đó là quân đội. Tuy nhiên, trong quân đội cũng rất nhiều phe phái và thiếu đoàn kết. Các phe trong quân đội cũng từng đánh nhau không khoan nhượng, để giành ghế Bộ trưởng. Nên giờ đây, việc ông Lương Cường muốn ngồi lại với ông Phan Văn Giang để chống Tô Lâm, cũng là cả vấn đề. Sự liên kết này có vết rạn tiềm ẩn rất lớn.
Phe Nghệ An cũng có người xuất thân từ Bộ Công an, đó là ông Phan Đình Trạc. Tuy nhiên, ông Trạc đã ra khỏi ngành để phát triển sự nghiệp chính trị, đã không còn quân tướng trong Bộ Công an từ lâu. Cho nên, thế của ông Trạc lúc này cũng chẳng hơn ông Huệ trước đây, vẫn phải đấu với Tô Lâm bằng “tay không”, trong khi trên tay Tô Lâm lại có “kiếm”.
Có lẽ, Đảng Cộng sản nói chung và đặc biệt là Bộ Chính trị, giờ đây đã “thấm đòn” với chủ trương dùng Công an trị. Trước đây, họ cho rằng, công an là công cụ của Đảng, nên giới lãnh đạo sẽ không bị công an tấn công như dân đen. Nhưng giờ đây, họ đã phải nếm trải điều đó.
Sự tham lam không có điểm dừng, sự lạm quyền cũng không có điểm dừng. Những người Cộng sản điên cuồng chống lại dân chủ hoá, chống lại thể chế chính trị tam quyền phân lập, từ chối một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, thì nay, chính họ phải nếm trải vị đắng của sự lạm quyền.
Trần Chương – Thoibao.de