Ngày 22/11, ông Đinh Thế Huynh – cựu Thường trực Ban Bí thư tái xuất, sau một thời gian dài “biến mất” không có lý do.
Truyền thông loan tin, ông được trao tặng danh hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Tháng 2/2016, tại Đại hội 12, ông Nguyễn Phú Trọng đề ra “suất đặt biệt” để ngồi lại ghế Tổng Bí thư, dù đã quá tuổi. Khi đó, ông Trọng chọn ông Đinh Thế Huynh làm phó cho mình. Khi ấy, nhiều đồn đoán cho rằng, ông Trọng dự tính đến giữa nhiệm kỳ sẽ “nhường ngôi” cho cấp phó. Tuy nhiên, đến tháng 8/2017, ông Trọng bất ngờ cho ông Đinh Thế Huynh biến mất khỏi chính trường, không kèn không trống.
Lúc đó, truyền thông nhà nước cho biết, ông Đinh Thế Huynh nghỉ để đi trị bệnh, nhưng hoàn toàn không nói rõ ông bị bệnh gì. Đáng nói là, ông Huynh không bị kỷ luật, cũng không có thông báo về hưu.
Ông Trọng đã âm thầm khiến cho ông Huynh biến thành “người vô hình”, như tan biến vào cõi hư không vậy.
Về sau, có nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, ông Đinh Thế Huynh cùng với Đinh La Thăng và Trần Đại Quang, âm thầm cấu kết để “tạo phản” đối với ông Nguyễn Phú Trọng. Lúc đó, ông Trần Đại Quang là cựu Bộ trưởng Bộ Công an, có dây mơ rễ má với rất nhiều nhân vật trong ngành công an. Ông Trọng xem ông Quang là nhân vật nguy hiểm nhất. Kế đến là Đinh La Thăng, ông Thăng vốn là đệ tử của ông Nguyễn Tấn Dũng, không ưa ông Trọng, nên muốn truất phế “ông già lạm quyền” này. Còn ông Đinh Thế Huynh là người bị 2 nhân vật kia lôi kéo. Ông Huynh trưởng thành từ ngành tuyên giáo, nên ít nguy hiểm hơn đối với ông Trọng, và cũng là người từng được ông Trọng tin tưởng.
“Âm mưu tạo phản” bị bại lộ, và tất nhiên, “thắng làm vua, thua làm giặc”, họ phải chịu sự trừng phạt của bên thắng. Sau đó, ông Trần Đại Quang chết một cách đáng ngờ khi đang ngồi trên ghế Chủ tịch nước. Ông Đinh La Thăng xộ khám với án rất nặng, cho tới nay, cũng chỉ có ông là Ủy viên Bộ Chính trị mà bị xộ khám. Cuối cùng là Đinh Thế Huynh, người bị cho là đã “chịu án” nhẹ nhất, với việc “ở tù tại gia”. Bị ông Trọng cho giam cầm tại nhà và giám sát 24/24.
Bằng việc thẳng tay với 3 kẻ “tội đồ”, rất có thể, đây là thông điệp mà ông Trọng muốn gửi các đối thủ chính trị, đặc biệt là ông Nguyễn Tấn Dũng, rằng, ông sẽ xử lý không khoan nhượng những ai dám chống lại ông.
Không biết, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có “ngán” Tổng Trọng hay không, nhưng thực tế, khi ông Trọng còn sống, ông Ba Dũng gần như “biệt tích giang hồ”, tránh xa chính trường. Thỉnh thoảng, ông Ba Dũng vẫn được truyền thông nhắc đến, nhưng không thấy ông gần gũi với nhân vật đương chức nào, như ông Tư Sang.
Ngay sau cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng, là sự xuất hiện của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nay là sự xuất hiện của ông Đinh Thế Huynh. Điều đó cho thấy, “nhà tù” tại gia mà ông Trọng thiết lập, cũng đã sụp đổ. Ông Đinh Thế Huynh xem như đã được “cởi trói”.
Đấy là một phần của bức tranh chính trị Việt Nam. Trong nội bộ Đảng, các “đồng chí” đánh nhau, thuốc nhau, đẩy nhau vào tù, và lập ra những nhà tù không chính thức để quản thúc người thua cuộc. Mọi hành xử chẳng khác so với các tổ chức xã hội đen vô pháp, muốn làm gì thì làm.
Đến nay, tình trạng đấu đá vẫn vô cùng gay gắt, thậm chí còn gay gắt hơn trước. Phía sau tấm bình phong “vì nước vì dân”, “tuân thủ pháp luật”… là các cuộc chiến sinh tử giữa các “đồng chí” trong Đảng Cộng sản, để tranh giành quyền lực, lợi ích.
Một chế độ luôn tránh né sự minh bạch, thì đằng sau cánh gà của sân khấu chính trị, họ – những người Cộng sản, lao vào sống mái với nhau như những con thú dữ, coi nhau như kẻ thù không đội trời chung.
Trần Chương – Thoibao.de