Tổng Bí thư Tô Lâm đứng trước thách thức cải cách “từ bên trên” một cách bền vững

Ngày 23/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận: “Liệu cuộc cải cách “từ bên trên” có bền vững?” của Doãn An Nhiên.

Theo đó, tác giả cho rằng, vì thiếu tính “toàn diện” như cách đặt vấn đề Đổi mới 40 năm trước, nên cuộc cải cách lần này khó tránh khỏi vấn đề về tính bền vững, khi cải cách thể chế “từ bên trên” còn thiếu cơ sở lý luận dẫn dắt, để thuyết phục hệ thống và giành sự ủng hộ của người dân.

Ngoài ra, bối cảnh quốc tế và khu vực đang thay đổi nhanh, và phức tạp cho việc vận dụng tư tưởng “thực dụng” trong cải cách lần này. Trong phần này một đề xuất được tập trung nhấn mạnh rằng, cải cách “từ bên trên” phải hướng đến một chương trình nghị sự xây dựng thể chế bao trùm.

Tác giả lưu ý, ngoài các yếu tố phát triển “truyền thống” như tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý hay quy mô dân số, thể chế bao trùm mới là yếu tố phân biệt các quốc gia giàu với các quốc gia nghèo, trong đó nhấn mạnh sự ổn định và độ tin cậy của các thể chế.

Ở cấp độ cơ bản nhất, nền kinh tế chỉ là một hệ thống phân bổ nguồn lực hiệu quả giữa những người tham gia, và cách tốt nhất để đảm bảo rằng những người tham gia cảm thấy có động lực tạo ra giá trị, là họ được khen thưởng một cách đáng tin cậy cho những nỗ lực của mình.

Từ góc độ chính sách công, đó là các trụ cột chủ yếu: quản trị quốc gia, thị trường và dân chủ, chúng được ví như những mảnh ghép “quản trị quốc gia”, “thị trường” “dân chủ”, trong trò chơi ghép hình “thể chế bao trùm” mà cải cách “từ bên trên”, để Việt Nam hướng tới “kỷ nguyên mới”.

Theo tác giả, Tổng bí thư Tô Lâm đã khởi xướng “kỷ nguyên mới” cho giai đoạn cầm quyền của mình nhưng vẫn còn “rất mới”: mới đối với mọi người mặc dù bộ máy tuyên truyền đã nỗ lực; mới đối với hệ thống chính trị mặc dù Tổng bí thư đã yêu cầu các quan chức, công chức trong các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Uỷ ban mặt trận tổ quốc…; Và, mới với cả giới tinh hoa khi các hội thảo dưới các hình thức vẫn liên tục được tổ chức.

Mới đây, ngày 15/11, một sự kiện có liên quan được chú ý tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.  Trong đó, đề dẫn hội thảo nhấn mạnh “vấn đề Kỷ nguyên mới”“chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước…”, là “tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thống nhất khẳng định”, “cần được đưa vào Văn kiện Đại hội 14…”  Nhận thức, ít ra về mặt hình thức nhưng chính thức, cần được “toàn đảng” đồng thuận!

Tác giả mong có cơ hội được bàn thảo nhiều hơn về các trụ cột của “thể chế bao trùm” nói chung, và hàm ý cho cải cách “từ bên trên”, để bước vào “kỷ nguyên mới” do ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm khởi xướng, vì giới hạn bài viết không cho phép trình bày chi tiết. Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh rằng tư tưởng “thực dụng” của ông Tô Lâm sẽ là bước “đột phá”, và nếu đi kèm với các chính sách phù hợp, hy vọng có thể tạo nên sự thay đổi nhất định, hoặc đặt nền móng cho các cải cách tiếp theo.

Tác giả kết luận, Đảng Cộng sản Việt Nam theo sau, và không “buông bỏ” mô hình phát triển của Trung Quốc, nhưng đã “thiếu” tư tưởng thực dụng “của riêng mình”, để dẫn dắt chính sách cho thực tế đất nước, dẫn đến hậu quả là cơ hội bị bỏ lỡ và tình trạng tụt hậu…

Hoạch định chính sách cho tư tưởng thực dụng “riêng” liệu có là thách thức không thể vượt qua? Nhưng niềm hy vọng vừa loé lên, một kỷ nguyên mới! Hãy thực tế và lạc quan như người ta thường tự động viên: Thà muộn còn hơn không!

 

Hoàng Anh – thoibao.de