Bài học cho Thủ Chính: Dự án Kênh đào Phù Nam Techo nhận “trái đắng” từ Trung Quốc

Dự án Đường sắt Cao tốc Bắc Nam với số vốn đầu tư lớn tới 67 tỷ USD, được đánh giá lớn nhất ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Đến nay, về tiến độ, Chính phủ đề xuất hoàn thành công tác báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, và thiết kế vào năm 2025 đến 2026, khởi công dự án năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Cho dù lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam nhiều lần trấn an rằng, Đường sắt Cao tốc Bắc Nam sẽ được xây dựng bằng nguồn lực trong nước, không vay vốn từ nước ngoài. Nhưng theo giới phân tích, Trung Quốc sẽ là “nhân tố bí mật”, và sẽ lộ diện ngay khi có cơ hội thuận tiện.

Bởi lý do, ngoài Trung Quốc ra thì Việt Nam khó có thể tìm được một đối tác nước ngoài khác, có khả năng cung cấp tín dụng, và công nghệ cho đại dự án trị giá gần 70 tỷ USD này.

Về thông tin liên quan đến Dự án Kênh đào Phù Nam Techo – một dự án của Trung Quốc đầu tư tại Campuchia, với chi phí khoảng 1,7 tỷ USD. Mới nhất, truyền thông quốc tế đưa tin, công trình này đang dậm chân tại chỗ vì Trung Quốc đã “mang con bỏ chợ”, ngừng cấp vốn, với lý do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sắp gia tăng.

Theo đó, nhà nước Campuchia đang phải nhận “trái đắng”. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã kém mặn mà đối với dự án Kênh đào Phù Nam Techo vào thời điểm hiện nay. Phải chăng cha con ông Hun Sen, sau một thời gian hứng khởi quá mức, nay đã có dấu hiệu sập bẫy nợ của Bắc Kinh? Đây cũng là một bài học cho Thủ tướng Phạm Minh Chính trong mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Dự án Kênh đào Phù Nam Techo là một dự án đầy tham vọng của Campuchia, nhằm giảm sự phụ thuộc về giao thông đường thủy của nước này vào các cảng của Việt Nam. Thủ tướng Campuchia Hun Manet nói, Trung Quốc sẽ đóng góp 49% vào nguồn vốn đầu tư cho dự án, và điều đó sẽ giúp quốc gia này tự “thở bằng mũi” của mình.

Theo giới quan sát, sau lễ khởi công hoành tráng công trình kênh đào Phù Nam Techo vào ngày 5/8. Hơn 3 tháng sau, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về khoản đầu tư của Trung Quốc, và dường như không có tiến triển nào tính tới thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, theo giới phân tích, việc Trung Quốc thiếu cam kết rõ ràng về nguồn vốn, có thể đẩy toàn bộ dự án vào tình trạng nguy ngập, đặc biệt là triển vọng tài chính. Trong khi Bắc Kinh đang cắt giảm đáng kể các khoản đầu tư ra nước ngoài, kể cả tại những quốc gia mà họ xem là đối tác chiến lược như Campuchia, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn.

Công luận Việt Nam bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc tham gia đầu tư và xây dựng dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam. Với lý do, đã có rất nhiều công trình do nhà thầu Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam gặp phải các vấn đề như đội vốn, chậm tiến độ và chất lượng kém.

Một ví dụ điển hình là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội, ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2013 với tổng mức đầu tư 8,7 nghìn tỷ đồng, nhưng đến năm 2019 vẫn chưa hoàn thành, trong khi tổng mức đầu tư đã tăng lên hơn 18 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có các quan ngại về việc Trung Quốc có thể sử dụng các công nghệ lạc hậu, và đưa nhân công của họ vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến môi trường, cũng như an ninh quốc gia. Trước những lo ngại này, nhiều chuyên gia và người dân đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần thận trọng trong việc lựa chọn nhà thầu, đảm bảo công khai minh bạch, và ưu tiên các nhà thầu có uy tín, kinh nghiệm để tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ.

Theo giới quan sát, đã có không ít những nghi ngờ về sự áp đặt, cũng như sự gấp rút của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với kiên quyết “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Phải chăng đã có sự thúc đẩy của Ban lãnh đạo Bắc Kinh? Đây sẽ là một cái chết đã được dự báo trước.

 

Trà My – Thoibao.de