Trong phiên họp cuối năm, ngày 31/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo thanh tra toàn diện đối với Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. Đồng thời, ông cũng yêu cầu trong thời hạn 90 ngày – tức là trước ngày 31/3/2025 phải báo cáo kết quả.
Truyền thông nhà nước đã ca ngợi hết lời, cho rằng, điều đó đã phản ánh phương pháp làm việc dứt khoát, không kéo dài, sau nhiều năm trì trệ; cho thấy, cách tiếp cận mới của Tổng Bí thư Tô Lâm…
Được biết, cơ sở 2 của cả 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, đã triển khai xây dựng được khoảng 90% cách đây 5 năm. Nhưng đến nay, cả 2 vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”, vì những vướng mắc liên quan đến thủ tục thanh toán.
Ngày 14/6/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan xác nhận với truyền thông rằng, “đây là việc tồn tại khá lâu rồi”. Theo bà Lan, hiện nay, một tổ công tác liên bộ đã xây dựng phương án, để báo cáo Chính phủ, đề xuất các giải pháp, làm sao để đưa các bệnh viện này vào sử dụng một cách nhanh chóng nhất.
Vẫn theo Bộ trưởng Y tế Lan, sở dĩ 2 cơ sở trên, dù đã hoàn thành xây lắp đến 90%, nhưng có một số cơ chế phải do Chính phủ quyết định, thì mới có thể hoàn thiện.
Được biết, 2 cơ sở mới của 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức ở Phủ Lý, Hà Nam, đều có chung quy mô 1.000 giường bệnh, với tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở lên tới hơn 4.500 tỷ đồng. Đây là các cơ sở được xây dựng với mục đích giảm tải nhu cầu khám chữa bệnh, cho Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội – nơi mỗi ngày phải tiếp nhận hàng vạn bệnh nhân.
Theo đó, tình trạng quá tải bệnh nhân không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, mà còn gây áp lực lên hạ tầng giao thông của Hà Nội. Với vị trí cơ sở 2 tại Phủ Lý, chỉ cách Hà Nội 60km, sẽ là điểm đến cho các bệnh nhân từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền Trung.
Tuy nhiên, dù cơ sở vật chất đã được đầu tư gần như đầy đủ, các cơ sở này vẫn hoạt động cầm chừng. Bởi nguyên nhân chính… là tâm lý “cố thủ”, muốn ở lại nội đô của đội ngũ y bác sĩ.
Ngày 21/10/2018, khu Khám bệnh của cả 2 cơ sở này đã chính thức khánh thành. Tuy nhiên, sau đó, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian, từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Trong khi, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành, và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Theo giới phân tích, việc Tổng Bí thư Tô Lâm quyết định nhanh chóng đưa Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Phủ lý, Hà Nam, vào sử dụng sớm, là điều cần thiết. Nhưng, việc ông chỉ đạo thanh tra toàn diện 2 dự án này, là quyết định hoàn toàn mang tính “dân túy”.
Với mục đích lấy được sự ủng hộ của công luận, nhất là, trong bối cảnh quyền lực và uy tín của Tổng Bí thư Tô Lâm đang giảm sút nghiêm trọng.
Những năm qua, ngân sách hàng năm dành cho ngành Y tế hết sức thiếu thốn, chỉ bằng 1/10 của ngành Công an. Hơn nữa, do tính toán ban đầu không lường hết các vấn đề phát sinh, nên việc xin bổ sung vốn, với các thủ tục “rắc rối”, đã dẫn đến các trở ngại như đã thấy. Đây là vấn đề thuộc về thể chế chứ không thuộc về bất kỳ cá nhân nào.
Dù rằng, bà Tiến đã dính líu đến nhiều vụ bê bối nghiêm trọng, bà từng bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo, và miễn nhiệm chức Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, vào năm 2021, nhưng 2 dự án trên không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm cho bà, nhưng nếu muốn ông Tô Lâm vẫn có thể khởi tố với lý do “ trách nhiệm người đứng đầu” để răn đe các đồng chí khác trong đảng.
Trà My – Thoibao.de