Mặc dù, công cuộc “cải cách” đang có một số ý kiến cho là có dấu hiệu thụt lùi, nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn lạc quan khẳng định, “còn hơn một năm nữa là Việt Nam vào kỷ nguyên mới”. Đó là khẳng định của ông Tô Lâm, vào ngày 25/11, trong trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, ông Tô Lâm cho rằng, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội lần thứ 14 của Đảng. Kể từ đây, “mọi người Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, để đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”.
Được biết, trong những ngày gần đây, nhiều tờ báo tại Việt Nam đã hưởng ứng và mở chuyên mục “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, để quảng bá cho ý tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm. Có ý kiến cho rằng, đó là để giải tỏa sự bế tắc của Tổng Bí thư.
Theo một số đánh giá, việc ông Tô Lâm ngay sau khi chính thức trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 3/8. Khi đó, ông Tô Lâm đã đưa ra quyết tâm cải cách thể chế, để đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới của dân tộc”. Tuy nhiên, đến nay, người ta thấy Tổng Bí thư Tô Lâm đã hạn chế nhắc đến cụm từ “cải cách thể chế”, và đưa ra khái niệm “tinh gọn bộ máy nhà nước”. Đây là biểu hiện của sự thụt lùi.
Khái niệm cải cách thể chế, và nội dung tinh gọn bộ máy nhà nước của ông Tô Lâm đưa ra, là hai khái niệm có liên quan, nhưng có phạm vi và mục tiêu khác nhau. Theo đó, “cải cách thể chế” nhằm tập trung vào việc thay đổi, hoàn thiện các quy định về luật pháp, và cơ chế quản lý, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội.
Trong khi, việc tinh gọn bộ máy nhà nước, chỉ là việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Thông qua việc giảm bớt các đầu mối, loại bỏ sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Đáng chú ý, việc tinh gọn bộ máy nhà nước cũng không phải là ý tưởng sáng tạo của ông Tô Lâm. Mà xuất phát từ 2 Nghị quyết số 18-NQ/TW với nội dung và thời điểm khác nhau. Cụ thể là, Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017, và Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022. Cả 2 Nghị quyết số 18 đều liên quan đến việc thí điểm mô hình tổ chức bộ máy mới, và kiêm nhiệm một số chức danh để “tinh gọn đầu mối”.
Nghị quyết 18 tinh gọn bộ máy ra đời từ tháng 10/2017 đến nay đã là 7 năm, nhưng kết quả không đạt được như mong muốn. Ngược lại, bộ máy nhà nước càng ngày càng phình to hơn, thay vì tinh gọn. Công luận thấy rằng, chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước là chủ trương đúng, thậm chí rất tốt. Nhưng nó ảnh hưởng quá lớn đến quyền lực, quyền lợi của các lãnh đạo đảng ở mọi cấp, mọi ngành từ trung ương đến địa phương. Đây là lý do, việc thực hiện 2 Nghị quyết số 18 của Đảng Cộng sản Việt Nam đều không có kết quả.
Theo một số nhận định, kể từ khi nhậm chức Tổng Bí thư vào ngày 3/8 đến nay, ông Tô Lâm hầu như chưa làm được công việc cụ thể nào đáng ghi nhận, mà chỉ hô hào chung chung.
Nhìn chung, các hoạt động của ông Tô Lâm trong thời gian gần 4 tháng vừa qua, chủ yếu nhằm tập trung vào việc củng cố vị thế chính trị và quan hệ ngoại giao. Cũng như củng cố quyền lực cá nhân, và chuẩn bị cho các bước tiến tiếp theo trong sự nghiệp chính trị, hơn là triển khai các chính sách cụ thể, mang lại lợi ích trực tiếp cho đất nước và người dân.
Vì sao công cuộc cải cách thể chế của Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là bế tắc như vậy? Vấn đề này liên quan đến nội bộ Đảng cũng như các áp lực từ Trung Quốc ra sao? Mời quý vị theo dõi tiếp phần sau.
Trà My – Thoibao.de