Điều nguy hiểm khi tinh gọn bộ máy

Ngày 27/11, Facebook Dương Quốc Chính đưa ra bình luận “Tinh gọn bằng cách nào?”

Tác giả cho biết, tin đồn về tinh gọn bộ máy đang rất dồn dập. Tin nhập tách mấy bộ nghe còn có lý. Nhưng tin nhập quá nhiều tỉnh thì thấy ngáo. Rất duy ý chí, quay lại máng lợn cũ kiểu Hà Sơn Bình, Bình Trị Thiên…

Cần hiểu rằng, nhập cơ quan Chính phủ hay Ban Đảng, rất khác với việc nhập địa giới hành chính. Vì địa giới hành chính, ngoài quy mô, dân số, nó còn là văn hóa, lịch sử.

Tác giả phân tích, địa giới hành chính hiện nay, đa phần là dựa trên địa giới thời Minh Mạng, trừ miền Nam. Người ta chia tỉnh đã tính tới yếu tố văn hóa lịch sử rồi.

Việc nhập các cơ quan và các tỉnh lại để giảm biên chế, thực ra không phải là cách làm triệt để, bền vững. Vì có thể, 1 bộ to sau lại có biên chế bằng 2 – 3 bộ cũ cộng lại, chỉ giảm được độ hơn chục sếp.

Tinh gọn bộ máy phải được quyết bởi những người lãnh đạo vừa có tâm vừa có tài, để biết được bộ phận nào có thể cắt bỏ, mà chả cần thông qua sát nhập. Nhiều cán bộ, công chức từng tâm sự với tác giả là, bộ máy của chính họ hoàn toàn có thể cắt bỏ 20 – 30% mà chả ảnh hưởng gì đến công việc. Thậm chí 1 số cơ quan cắt 50% hoặc xóa luôn cũng được.

Tác giả từng tham gia thiết kế cơ quan hành chính cấp tỉnh, phải đọc nhiệm vụ thiết kế, nên hiểu bộ máy nhân sự. Thấy rằng, có 1 số phòng/ ban chỉ có 1 – 3 nhân sự. Tức là, nó sinh ra để có đủ ban bệ. Có bộ phận toàn sếp (trưởng, phó), không có lính lác gì, hoặc lính ít hơn sếp! Đó mới là những bộ phận cần tinh giảm.

Tác giả nhận xét, các cánh tay nối dài của Đảng mới là thành phần ăn bám ngân sách nhiều nhất, đó là các đoàn thể, hội hè, ăn hại đái khai, thì đợt tinh gọn này lại không nhắc đến qua các tin đồn.

Cái nguy hiểm nhất khi tinh gọn bộ máy, là khi những người được quyền quyết định thì vừa ngu vừa tham. Vì sếp ngu sẽ chọn lính ngu, lính khôn không muốn theo sếp ngu. Sếp tham thì chọn lính chạy ghế nhiều tiền, chứ không ưu tiên lính giỏi.

Thế nên, theo tác giả, rủi ro là việc tinh gọn mà còn lại toàn bọn ngu, thì bộ máy lại khó vận hành. Như vậy, mấu chốt là, tinh gọn phải kèm với việc những người trụ lại phải là người giỏi, loại được đúng bọn ngu. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều đó thì ai dám chắc? Liệu có phải duy ý chí không? Tiêu chí nào để chọn người ở lại và người phải ra đi?

Công chức ăn hại nhất là bọn ngu mà COCC (con ông cháu cha), mà bọn đó lại khó bị đuổi việc nhất.

Tác giả cho rằng, tinh gọn bộ máy hợp lý nhất, cần làm trước, là loại bỏ các hội đoàn ăn bám ngân sách, cơ quan Đảng cần tối thiểu và nên kiêm nhiệm, chứ lượng chuyên trách phải tối thiểu. Ví dụ: Ban Tổ chức nên nhập vào cơ quan Nội vụ. Tránh kiểu 2 – 3 cơ quan cùng làm 1 việc gần giống nhau, kiểu Tuyên giáo (Đảng) với Truyền thông (chính quyền)…

Cách tinh gọn như tin đồn hiện nay, nó thiên về kiểu phép cộng trừ mà thôi. Rồi dự 1 tỉnh, bộ, lại có 7 – 8 cấp phó, nhân sự mỗi cơ quan lại gấp đôi.

Tác giả kết luận, tinh giản là ý tưởng đúng, nhưng làm thế nào thì cần có kế hoạch công khai, minh bạch, và có tính chiến lược dài hạn. Chứ làm như tin đồn thì chỉ là phép số học, bản chất vẫn là vậy.

Tác giả giễu cợt, tinh giảm căng quá, biên chế phản động lại tăng lên, vì cán bộ tuột xích tâm tư! Thành quan oan.

Tác giả nêu thắc mắc và châm chọc, tinh giảm bộ máy mà không thấy nhắc tinh giảm các ông có súng nhỉ? 2 ngành này mà xã hội hóa thì cũng cắt được cả mớ.

Như các doanh nghiệp cầm súng ấy, lẽ ra phải cho ra ngoài làm dân hết. Bên công an thì cảnh vệ cũng chả cần phải trong biên chế, chuyển thành các công ty bảo vệ tư nhân, đấu thầu làm cảnh vệ.

Mấy chú gác trụ sở với ngân hàng thì vào ngành làm quái gì.

 

Minh Vũ – thoibao.de