Tổng Bí thư Tô Lâm là một con người thực dụng, và ít quan tâm đến vấn đề học thuyết cũng như lý luận. Ông Tô Lâm đã sớm nhận thấy bộ máy của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay như một cỗ máy già nua, cũ kỹ cần phải đại tu.
Nhưng thay thế toàn bộ hệ thống, tức là tiến hành cải cách thể chế nhằm khắc phục cái gọi là “điểm nghẽn” của điểm nghẽn, là điều không thể. Bởi nhiều lý do khác nhau, chủ trương cải cách của ông Tô Lâm đã vấp phải sự phản ứng của một bộ phận không nhỏ lãnh đạo cấp cao.
Đây là những nhân vật được cho là thành phần “bảo thủ” trong Đảng, với lập trường kiên định con đường chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng về thực chất không phải là như vậy, mà bởi lý do chủ trương cải cách của ông Tô Lâm sẽ động chạm rất nhiều đến quyền lợi, cũng như quyền lực của họ. Tới mức, ông Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư đã phải kêu gọi “sự hy sinh” của các lãnh đạo cao cấp.
Đây là lý do, công cuộc cải cách để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới của Tổng Bí thư Tô Lâm bị chững lại. Kể cả việc ông Tô Lâm đã đưa ra một phương án “tinh gọn bộ máy” của hệ thống chính trị, nhưng vẫn không được thế lực này chấp nhận theo kiểu “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.
Việc tinh gọn bộ máy nhà nước đã được công luận đồng tình và ủng hộ. Theo đó, một nước nghèo như Việt Nam, nhưng lại tồn tại một bộ máy hành chính đồ sộ, tiêu tốn tới 70% ngân sách. Đây chính là lý do, nền kinh tế Việt Nam vẫn tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực.
Những phân tích kể trên cho thấy, việc cải cách thể chế, hay tinh gọn bộ máy nhà nước vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Những thế lực bảo thủ trong Đảng đã cáo buộc Tổng Bí thư Tô Lâm mượn danh “cải cách” để tiếm quyền, với mục đích đưa Đảng Cộng sản Việt Nam đi chệch con đường xã hội chủ nghĩa.
Đó là chưa kể, Ban lãnh đạo Bắc Kinh được cho là đang kích động phe thân Trung Quốc trong nội bộ Đảng, phải kiên định với con đường chủ nghĩa xã hội mà 2 Đảng Cộng sản, cùng ý thức hệ đã đồng tâm lựa chọn.
Vai trò cũng như sự tác động của Trung Nam Hải đối với công cuộc cải cách của Tổng Bí thư Tô Lâm, là điều hết sức quan trọng. Đây là vấn đề “then chốt” nhất, và điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình cải cách ở Việt Nam. Đáng chú ý, ban lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện 2 thái độ khác biệt đối với Tổng Bí thư Tô Lâm, và Chủ tịch nước Lương Cường.
Theo giới phân tích, nếu Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ ông Lương Cường, điều này có thể thúc đẩy Việt Nam cải cách theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ngược lại, nếu ông Tô Lâm có lập trường độc lập hơn, quá trình cải cách có thể gặp phải sự phản đối, hoặc thiếu hỗ trợ từ phía Trung Quốc.
Do đó, việc cân bằng quan hệ với Trung Quốc và thực hiện các cải cách phù hợp với lợi ích quốc gia, sẽ là thách thức đối với lãnh đạo Việt Nam. Trung Quốc được cho là sẽ không hài lòng với các cải cách chính trị do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng, vì những lý do:
– Lo ngại về sự thay đổi mô hình chính trị, theo đó, bất kỳ cải cách chính trị nào ở Việt Nam sẽ gây lo ngại cho Trung Quốc, về sự ảnh hưởng đến an ninh chính trị của họ.
– Các cải cách chính trị của Việt Nam, sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa 2 nước, do đó, Bắc Kinh sẽ không ủng hộ những thay đổi có thể gây ra sự bất ổn trong khu vực.
– Ảnh hưởng của phương Tây đối với Việt Nam trong việc mở cửa và hội nhập sâu hơn với phương Tây.
Những điều kể trên là lý do, công cuộc cải cách thể chế, hay tinh gọn bộ máy công quyền ở Việt Nam khó có thể thành công. Chứ đừng vội nói đến công cuộc “Đổi mới lần 2” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de