Mục tiêu cao nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải nắm được quyền lực tuyệt đối trong Đảng Cộng sản Việt Nam, như Tập Cận Bình ở Trong quốc hay Putin ở Liên Bang Nga hiện nay. Đây là điều kiện tiên quyết cần phải có, để ông Tô Lâm tiến hành một cuộc “Đổi mới lần 2”.
Nghĩa là, ông Tô Lâm phải nắm quyền Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước theo mô hình nhất thể hóa. Tuy nhiên, việc ông Tô Lâm vào trung tuần tháng 10/2024, đã phải chấp nhận nhường quyền Chủ tịch nước cho người khác, điều đó cho thấy đây là sự thất thế của ông Tô Lâm.
Dù rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra nguyên nhân bao trùm là do thể chế, và đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Như trên thực tế, Tổng Bí thư Tô Lâm buộc phải quay sang việc thực hiện tinh gọn bộ máy nhà nước, và coi đó là yêu cầu tất yếu, buộc phải làm. Đây được coi là một bước đệm, đồng thời cũng là một cuộc “đại phẫu”, để tạo ra một hệ thống chính trị, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Trên mạng xã hội đang lan truyền cái gọi là Phương án Sáp nhập một số cơ quan của chính phủ và các ban của Đảng. Theo đó, sáp nhập Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch Đầu tư; Sáp nhập Bộ Tài nguyên Môi trường với Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn; Sáp nhập Bộ Xây dựng với Bộ Giao thông Vận tải…
Tin đồn vừa kể được công luận đồng tình và cho rằng, nếu phương án kể trên được thực hiện, đây sẽ là một bước đột phá, và đây là tiền đề của một cuộc cách mạng cải cách cả hệ thống chính trị của Việt Nam. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, không tinh gọn bộ máy thì đất nước không thể phát triển được.
Một loạt câu hỏi đã được công luận đặt ra, đó là: Tại sao một siêu cường như Hoa Kỳ cũng chỉ có Tổng thống, một Phó tổng thống và nội các là các bộ trưởng. Hay chính phủ của các quốc gia phát triển ở Châu Âu cũng vậy? Tại sao họ ít lãnh đạo, thế nhưng họ quản lý đất nước hiệu quả và phát triển?
Câu trả lời là, bởi vì họ làm đúng việc của họ trong mô hình: Nhà nước nhỏ, xã hội lớn. Ông Tô Lâm cũng từng đưa ra yêu cầu, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội phải thực hiện đúng vai trò, và không làm thay theo kiểu lấn sân.
Được biết, bộ máy Chính phủ Việt Nam hiện tại đang có tới 30 đầu mối, bao gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Trong khi đó, ở Trung Quốc với dân số 1,5 tỷ dân cũng chỉ có 25 bộ, ở Cộng hòa Liên bang Đức cũng chỉ có 14 bộ, Nhật Bản chỉ có 12 bộ. Tại sao để một tình trạng bất hợp lý như vậy kéo dài hàng chục năm qua?
Theo giới chuyên gia, Chính phủ Việt Nam nên tinh gọn hơn nữa, để chỉ còn khoảng 15 -16 bộ là hợp lý. Điều đó phù hợp với xu thế chung của tất cả các quốc gia hiện đại nhất, giàu có nhất hiện nay họ cũng chỉ có khoảng 10 – 12 bộ.
Một câu hỏi được đặt ra, đó là, cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm, có phải là biểu hiện của sự thụt lùi trong vấn đề cải cách thế chế hay không?
Theo một số nhận định, việc cải cách thể chế dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm đang gặp nhiều thách thức và có thể không đạt được kết quả như mong đợi.
Theo một số phân tích, việc để tồn tại một bộ máy hành chính cồng kềnh còn là một “kênh” nhằm để bảo vệ chế độ. Nếu không có những thay đổi căn bản về thể chế chính trị, thì khó có thể đạt được những cải cách thực chất và hiệu quả.
Nhưng đã là một cuộc cách mạng, sẽ không thể tránh khỏi sự thiếu đồng thuận trong nội bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi lý do, việc sáp nhập, giải thể các đơn vị, tổ chức ở các cấp, sẽ ảnh hưởng tới quyền lực, quyền lợi của một bộ phận không nhỏ các lãnh đạo cấp cao hiện nay.
Trà My – Thoibao.de