Ngày 21/11, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu viết trên trang Facebook cá nhân của mình “Nhớ Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân”.
Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:
1.
Trong số các Đại biểu Quốc hội các Khoá XIII, XIV, XV, có lẽ Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân là một trong những người đóng góp được nhiều ý kiến hữu ích. Không thể liệt kê hết, nhưng bên tai vẫn văng vẳng lời phát biểu của Ông tại các kỳ họp của Quốc hội. Ông là người đã:
- Kiến nghị hoãn xem xét, thông qua Luật đặc khu để xin ý kiến nhân dân;
- Kiến nghị giám sát tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải;
- Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm;
- Đề nghị Luật hóa vai trò Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
- Kiến nghị thành lập Hội đồng lập pháp;
- Đề xuất thi tuyển Thứ trưởng;
- Chất vấn vụ Mobifone mua AVG;
- Đề cao chất vấn trực tiếp;
- Đề xuất Chính phủ khởi xướng văn hoá từ chức;
- Kiến nghị về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ;
- Kiến nghị ban hành Luật trọng dụng nhân tài.
Và còn nhiều đóng góp tích cực khác nữa. Theo gia phả dòng họ, Lê Thanh Vân là hậu duệ của Khai quốc công thần Đại đô đốc Lê Lâm, con của Trung túc vương Lê Lai, cùng với Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa kháng chiến chống giặc Minh.
Trong phép trị quốc, điều thông minh nhất là biết thua dân, điều khó nhất cũng là biết chịu thua dân. Khi khó khăn nhất, lúc phức tạp nhất, là lúc cần phải hỏi ý kiến toàn dân. Trí tuệ của toàn dân sẽ đưa ra được giải pháp thông minh nhất. Nhưng ý kiến của toàn dân cũng là điều sợ nhất của người cầm quyền. Vì muốn áp đặt ý chí và kéo dài quyền lực, nên né tránh ý kiến của toàn dân, dứt khoát không chịu thua dân. Chỉ bậc cái thế mới biết chịu thua dân.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân có lần đã đề cập: “Lãnh đạo thì phải anh tài. Đến Đông, Đông lặng, tới Đoài, Đoài yên. Nếu cần phải thua dân thì rất nên thua, và chỉ có bậc đại trượng phu làm được điều đó”.
Trung ngôn nghịch nhĩ. Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Những ngày này, khi Quốc hội họp thảo luận vấn đề mang tính “Quốc kế dân sinh” như “Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam”, lại nhớ đến Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Có lần Ông đã tâm sự:
– “Làm người, mà thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không lên án, thì cuộc sống ấy khác nào tồn tại. Nói ra lời ngay để mô tả đúng thực trạng là điều cần thiết. Một ĐBQH mà không dám nói lên tiếng nói của Dân thì hổ thẹn lắm!”
********
Được biết, ông Lê Thanh Vân sinh năm 1964, bị bắt giữ ngày 10/7, nhưng chính quyền không công bố lý do bắt giữ.
Ông Lê Thanh Vân là một trong những người đưa ra ý tưởng chất vấn trực tiếp, để làm rạch ròi từng vấn đề và trách nhiệm của các bên, tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Ông cũng nổi tiếng với những câu chất vấn đanh thép tại nghị trường.
Một số phát ngôn nổi tiếng của ông như:
“Khởi xướng văn hoá từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn, tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài.”
“Không phải cứ luân chuyển là lên chức.”
“Quy trình cong vì lòng không thẳng.”
“Có những cán bộ chủ chốt, nhưng phát ngôn kỳ quặc.”
“Phải có chế tài nghiêm khắc trừng trị người lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ.”
“Không đánh đổi chủ quyền lấy sự phát triển kinh tế.”
“Một nền giáo dục lấy hướng thiện làm gốc rễ, lấy lợi ích dân tộc làm nền tảng, lấy khai phóng tư duy làm phương pháp, sẽ tạo ra những cá nhân biết tự trọng, biết liêm sỉ; biết tự hào, bảo vệ và phát huy các giá trị ngàn đời của dân tộc… Đó là sứ mệnh truyền đạo làm người, là sức mạnh của giáo dục quốc dân. Vì lẽ đó, từ xưa đến nay, đạo trị quốc luôn lấy giáo dục làm đầu, coi nhân tài làm gốc.”
Ý Nhi – thoibao.de