Hải sản Việt có nguy cơ bị cấm xuất khẩu sang EU

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hải sản đang bị tác động nặng nề bởi "thẻ vàng" của EU nhưng rất nhiều khuyến nghị EU đưa ra ngoài khả năng của DN mà phải do cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện

Ngày 9-11, tại TP HCM, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp (DN) hải sản cam kết chống khai thác IUU (viết tắt của các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không có khai báo và không được quản lý) để bàn về các hành động cấp bách sau khi EU giơ “thẻ vàng” vào ngày 23-10 vừa qua.

Giữa lúc các DN hỏi han tin tức về tác động của “thẻ vàng” tại cảng nhập ở EU thì bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất – Trưởng ban Thương mại và Kinh tế Phái đoàn EU tại Việt Nam, cung cấp một thông tin bất ngờ: “Đây là một thông tin rất tệ. Tổng cục Nghề cá EU cho biết họ vừa cảnh báo cho Tổng cục Thủy sản Việt Nam về một con tàu nước ngoài chở lô hàng vi phạm IUU muốn cập cảng Việt Nam sau khi các quốc gia trong khu vực từ chối. Chúng tôi cung cấp thông tin rất đầy đủ, chi tiết về con tàu đó nhưng nhà chức trách Việt Nam vẫn cho con tàu đó cập cảng. Đây là chuyện xảy ra sau khi Việt Nam đã nhận “thẻ vàng”. Điều này dẫn đến nguy cơ lô hàng đó bị phát tán và được thu mua, chế biến xuất khẩu đi EU. Hành động này có thể dẫn đến khả năng Việt Nam bị thẻ đỏ. EU nhập khẩu hải sản không chỉ quan tâm đến chất lượng mà còn quan tâm đến tính hợp pháp, bền vững” – bà Miriam Garcia Ferrer nhấn mạnh.

Theo ước tính của EU, các hoạt động đánh bắt cá IUU chiếm 19% tổng lượng đánh bắt trên thế giới hằng năm, tương đương 10 tỉ USD và phần lớn được thực hiện bởi các nước đang phát triển.

Các DN xuất khẩu hải sản đang bị tác động nặng nề bởi “thẻ vàng” EU nhưng rất nhiều khuyến nghị EU đưa ra ngoài khả năng của DN mà phải do cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện. Để đáp ứng tốt quy định IUU cần có sự đồng lòng từ ngư dân đến các cơ quan lập pháp như Quốc hội.

Nếu EU giơ thẻ đỏ cho hải sản Việt Nam, tức xác định Việt Nam không hợp tác trong việc chống IUU, đồng nghĩa với việc cấm nhập khẩu hải sản từ Việt Nam. Trừng phạt này không chỉ làm mất từ 300-400 triệu USD/năm từ kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU mà còn dẫn đến khả năng các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản cấm nhập khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam.

Chế biến khẩu thủy sản Việt Nam

Ngọc Ánh/ nld.com.vn

—-