Hiện tượng phân cực trong kiều bào ở Đức từ vụ Trịnh Xuân Thanh

Chưa bao giờ vấn đề phân cực, trong Cộng đồng người Việt tại Đức, được thấy rõ như ngày nay. Nhất là từ ngày có sự kiện Trịnh Xuân Thanh (TXT) xảy ra ở thủ đô Berlin.

Ngay từ ngày đầu của sự việc, mọi người đã bàn tán xôn xao. Lập tức cộng đồng người Việt tại Đức phân cực chia thành 2 nhóm: Nhóm tin tưởng vào tuyên bố “về nước đầu thú” đúng qui trình – của chính quyền trong nước, và nhóm tin tưởng vào kết quả điều tra “bắt cóc” phi pháp – của nhà nước sở tại.

Cho dù hiện nay, nhóm theo “thuyết đầu thú” đã từng bước mất niềm tin vì nền tảng bị vỡ, sau những im lặng bất thường của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Nhóm theo “thuyết bắt cóc” có thêm chính nghĩa vững vàng, nhờ vào những tuyên bố có tính thuyết phục từ chính quyền Đức. Thế nhưng đâu đó trong cộng đồng, vẫn còn âm ỉ, chưa thống nhất cái nhìn về cùng một sự kiện – dù không còn ồn ào như thuở ban đầu.

Nhóm tin vào “thuyết đầu thú”, là những người hả hê. Cho rằng, chính quyền Hà Nội đã cho Berlin “một bài học” nhớ đời. Ai biểu phía Đức không đồng ý việc thỉnh cầu dẫn độ, của phía Việt Nam làm chi! Không cho đi theo con đường chính lộ, thì dàn cảnh bay thẳng về nước “đầu thú” y như thật, nhưng thực tế đi vòng vèo, như con đường… rừng. Thế là xong, giải quyết nhẹ tưng… Ra sao thì ra, ai la thì la, miễn là được việc. Cứu cánh sẽ biện minh cho phương tiện.

Và cái lò đun trong nước, do ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cất công xây dựng và kích hoạt, được dịp nhận thêm một khúc củi mới vào, hừng hực đốt cháy nóng ran. Một “con ruồi” vừa hạ cánh, hay đúng ra là bị cắt cánh và… xin tự thú, hối lỗi vì sự “trốn tránh” của mình, khiến cho những con ruồi khác, và cả một đàn hổ một thời oanh liệt, giờ đang nằm co ro, lo sợ..!

Còn nhóm “thuyết bắt cóc”, là những người thấy hãi. Cho rằng, dù những kẻ tham nhũng cần xử tội làm rõ, buộc trả lại tài sản cho đất nước, nhưng cách làm như thế này thì sai.. toàn tập. Bởi chỉ vì một “con ruồi” nhỏ, thế mà chính quyền Hà Nội đã phá tan tành danh dự một đất nước, trên trường quốc tế. Phá vỡ niềm tin trong quan hệ ngoại giao Đức-Việt. Phá tan tành công lao của bà con người Việt tại Đức trong việc góp phần xây dựng tình hữu nghị, hình ảnh đẹp của bà con trong xã hội xứ người. Làm đổ nát những dự án chung giữa Việt Nam và Liên minh Âu Châu trong tương lai.

Họ cũng cho rằng, việc Đức trục xuất 2 nhà ngoại giao Việt Nam tại Berlin về nước, kèm theo những trừng phạt khác sẽ áp dụng trong tương lai, là một việc nhằm lấy lại danh dự chính đáng của mình. Đó cũng là một bài học cho Việt Nam, trong việc giúp nước này phát triển thành một nhà nước tôn trọng pháp luật, trưởng thành hơn trong dân chủ, theo kịp cách hành xử của thế giới văn minh.

Họ cho rằng, trong sự kiện TXT, nhà nước có những cái “được” và có những cái “mất”. Nhưng cái “mất” nhiều hơn cái “được”, vì vậy đây là một sự trả giá không cân xứng, qua đó hình ảnh nước Việt, trong mắt của người Đức, là chàng tí hon – không phải với chiếc mũi tẹt, đặc trưng của người châu Á – mà là với cái mũi dài ngoằng – hình ảnh chế giễu dành cho một kẻ nói dối – theo văn hóa phương Tây!

Phân tích kỹ thì nhóm “thuyết đầu thú” ở Đức gồm có vài thành phần, với hoàn cảnh sống khác nhau. Đấy là những người đảng viên, cựu đảng viên, hay những ai có quan hệ dây mơ rễ má với ĐCSVN. Dù họ đã sống lâu trong một nhà nước tự do, làm ăn và hít thở trong một môi trường dân chủ, thế nhưng họ vẫn bảo thủ, giữ trong đầu những lý thuyết cổ xưa. Họ trung thành tuyệt đối vì lòng biết ơn đối với đảng và nhà nước.

Trong số này cũng là những doanh nhân, đang xây dựng những hợp đồng với trong nước, cần có mối quan hệ thật kín kẽ. Cũng có những người đang cầm sổ hưu. Số tiền hưu này, so ra với cuộc sống ở nước ngoài chẳng nhiều, nhưng có thể chuyển tặng người thân trong nước, có được chút ít còn hơn không. Họ không muốn vì những suy nghĩ “trái lề” với trong nước mà… bể nồi cơm, hay mất đi những ưu đãi hoặc bị khó khăn khi ký kết các hợp đồng thương mại.

Vì thế trước sự kiện này, mọi người được khuyên hãy bình thản, cố giữ gìn trật tự, giữ hàng ngũ chỉnh tề, đừng để địch, bọn phản động cùng bọn Việt Tân lợi dụng, quậy tưng lên.

Đại khái là “chẳng có chi mô” mà phải lao xao, dao động, lộn tùng phèo, vì mọi việc đã đảng lo. Nhà nước đã nói là TXT về nước, bị bắt và ra đầu thú ở Việt Nam, thì hãy tin như thế.

Thành phần khác gồm số Việt kiều với tư duy vô cùng đơn giản và bình dị, chí thú làm ăn, có được cuộc sống ổn định tại nước Đức. Họ được nước Đức giúp đỡ, cưu mang, tạo điều kiện để tồn tại và phát triển. Con cái họ được học hành trong điều kiện hòa bình, cơm no áo ấm. Hằng tháng mỗi đứa còn được nhận hơn trăm Euro tiền hỗ trợ cho trẻ em (Kindergeld), từ quỹ gia đình (Familienkasse) của địa phương, là đồng tiền thuế mà người dân chăm chỉ đóng vào.

Họ thiếu tiền ư? Chạy ra Bộ Xã hội, chịu khó điền đơn, giải thích lý do chính đáng, xin tiền trợ cấp sống hằng tháng.

Họ thiếu phòng ở ư? Lại chạy ra đấy. Lại làm đơn, xin giấy chứng nhận trợ cấp tiền phòng, để đi tìm phòng.

Trong số tiền trợ cấp có cả tiền đóng bảo hiểm bệnh tật, tiền hưu trí.

Như thế thì có gì sướng bằng. Còn lo cái chi nữa ?

Thế là đời sống đi vào ngõ bình yên, neo thuyền đậu ở bến bờ hạnh phúc. Không còn phải trôi dạt lênh đênh, lo lắng như ở quê nhà, trước khi đi… thoát ly. Vì ở nơi quê hương xa xôi đấy, mỗi lần lâm vào hoàn cảnh khó khăn, làm sao có được sự giúp đỡ tận tình và chu đáo như thế này.

Trớ trêu thay, trong sự bình yên hạnh phúc đó, với tư duy bình dị, họ lại nhớ về… người đã tạo bước thoát ly cho mình. Đơn giản với suy nghĩ rằng, nếu không có… cơ hội và… điều kiện để thoát ly, đi vào miền đất hứa hôm nay, thì làm sao họ sung sướng được như bây giờ?

Từ lòng biết ơn, họ ủng hộ mọi việc làm của nhà nước Việt Nam, từ việc đúng – là lẽ đương nhiên –  đến việc không đúng – một cách lạ lùng. Một sự ủng hộ vô điều kiện, coi như là một hành động “đền ơn đáp nghĩa”, cho cơ hội thoát ly đi ra nước ngoài, nên bây giờ được đổi đời, được ăn sung, mặc sướng.

Họ là những người với đầu óc và cuộc sống hết sức bình dị. Vì vậy để vận dụng tư duy, tìm hiểu được nguyên nhân nghiệt ngã của việc thoát ly từ vùng đất mẹ, và đâu là cội nguồn ơn nghĩa của hạnh phúc từ miền đất quê người, là một việc làm gian nan, vượt quá khả năng.

Còn đối với nhóm tin “thuyết bắt cóc”, phân tích ra cũng có nhiều thành phần.

Thành phần yêu thương nước Đức, coi đây là quê hương của mình. Tất cả mọi vi phạm từ bên ngoài vào lãnh thổ, vào pháp luật cùng những giá trị đạo đức, xã hội đều bị lên án mạnh mẽ.

Họ ý thức được rất rõ, rằng nước Đức, chứ không phải nơi đâu, mới chính là tổ ấm. Là nơi che chở, tạo điều kiện, để họ cùng với gia đình, con cháu, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ và bác ái.

Họ đang miệt mài lao động và sống tốt trong xã hội. Con cháu họ đang vui đùa trong nhà trẻ. Đang siêng năng, cần mẫn trong nhà trường. Hay đang đi làm nghĩa vụ quân sự, dân sự, phục vụ và giữ gìn hòa bình, an ninh trật tự trên quê hương nước Đức.

Vì vây, khi chính quyền Đức, dựa theo những kết quả điều tra, tuyên bố đây là một phi vụ bắt cóc, xâm phạm không có tiền lệ vào lãnh thổ, danh dự nước Đức, lập tức ai cũng phẫn nộ và tin theo một cách tuyệt đối. Hơn nữa, người Đức nổi tiếng là chuẩn mực, kỷ luật, tôn trọng pháp luật, làm việc nghiêm chỉnh với độ chính xác khoa học, nên dễ dàng gây niềm tin vững chắc cho tất cả mọi người.

Thành phần tiếp theo là những người không “mặn mà” với nhà nước CHXHCN Việt Nam, vì lí do này hay lí do khác. Chính vì vậy họ không bao giờ có sự tin tưởng vào những việc làm của chính quyền Việt Nam.

Trong sự kiện TXT, ngay từ đầu họ không bao giờ nghĩ đến kịch bản “đầu thú”. Đối với họ, màn diễn kịch trên truyền hình, chiếu cảnh TXT như kẻ mất hồn, nói lí nhí về việc “trốn tránh” của mình, là một màn diễn tệ hại, đánh lừa dư luận, đối phó với sự việc một cách hoảng hốt, nên trở thành thô thiển.

Đạo diễn là một nhóm, nếu không vì lí do thấp kém về nghiệp vụ truyền thông, thì cũng là do bị động. Dù không muốn coi thường trình độ khán giả trong và ngoài nước, nhưng họ cần phải làm vì bị sức ép. Cần đối phó gấp gáp với một sự việc, mà lúc đó đang nóng như lửa và rối bời như một nồi canh hẹ.

Tóm lại, việc TXT đang là một thách thức ngoại giao của hai nhà nước Việt-Đức. Trong thời gian tới, hai bên cần có những nỗ lực, đặc biệt về phía Việt Nam, để hàn gắn lại niềm tin đã bị đổ vỡ. Trả lại nước Đức hình ảnh một Cộng đồng người Việt chăm chỉ, cần cù, thiện cảm, cần được tiếp tục giúp đỡ, che chở và đùm bọc.

Đặc biệt cần phục hồi lại danh dự và vị thế của Tổ quốc Việt Nam, trên trường quốc tế cũng như niềm tin của quốc dân đồng bào, trong và ngoài nước.

Đa số dư luận cho rằng, Việt Nam hãy dũng cảm bước qua những lực cản vô hình, chiến thắng bản thân, nhanh chóng có những bước đi đúng đắn, thành tâm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về phía Đức. Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp như xưa, sự phân cực hiện nay trong kiều bào ở Đức vì sự kiện TXT, qua đó sẽ được giải trình một cách minh bạch, đem kinh nghiệm đến cho tất cả mọi bên, nhìn ra sự thật, giúp mọi người không còn cực đoan, để phản ứng đúng đối với những sự việc tương lai.

Và hy vọng, với sự thông cảm từ cộng đồng thế giới, sẽ không còn ai chế giễu, cắm lên gương mặt người Việt một cái mũi dài ngoằng – thay vì là cái mũi tẹt bình thường của tổ tiên – nét đặc trưng rất đáng yêu của người châu Á…

Trịnh Xuân Thanh và những người bạn tại Berlin

http://thoibao.de/site/News/7064?title=trinh-xuan-thanh-va-doan-can-bo-cap-cao-cua-chinh-phu%252c-doanh-nghiep-vn-tham-kieu-bao-tai-tttm-dong-xuan-berlin-

Sa Huỳnh – CTV Thoibao.de (Berlin, 26.10.2017)

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam và trục xuất tiếp cán bộ ngoại giao Việt Nam trong vòng 4 tuần.

http://thoibao.de/thong-bao-%26-nhan-tin/11421/vu-trinh-xuan-thanh%3A-duc-dinh-chi-doi-tac-chien-luoc-voi-viet-nam-va-truc-xuat-tiep-can-bo-ngoai-giao-viet-nam-trong-vong-4-tuan..htm 

Hậu quả của việc Đức đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam

http://thoibao.de/tin-nuoc-duc/11462/hau-qua-cua-viec-duc-dinh-chi-quan-he-doi-tac-chien-luoc-voi-viet-nam.htm

 

——