Thuy Thi Luong (Lương Thị Thủy?) năm nay 32 tuổi và tự coi mình là người Đức gốc Việt. Thủy sinh ra ở Hải Dương, nhưng giờ đây cô nói trôi chảy thổ ngữ Sachsen và có một gái 8 tháng tuổi tên là Emma. Sau đây là những ý kiến của Thủy trả lời phỏng vấn báo DNN (Dresdner Neueste Nachrichten), có lẽ cũng là tư duy của nhiều người thuộc thế hệ thứ hai của người Việt ở Đức:
– Chắc là khó khăn lắm khi cô sang Đức ở tuổi thiếu niên, rời khỏi bạn bè và gia đình?
· Một hôm, cha mẹ tôi nói: Chúng ta sẽ xây dựng một cuộc sống mới ở nước Đức. Tôi và em gái chẳng có quyền quyết định gì. Ban đầu mọi thứ đều khó khăn đối với tôi. Chúng tôi tới Freiberg vào tháng 3/1997. Tuyết ở khắp nơi, trời lạnh, mọi người xung quanh cao lớn và có giọng rất trầm. Có người đã nhổ nước bọt vào tôi và xe đạp của tôi thường xuyên bị phá hỏng. Một thời gian dài tôi chỉ muốn một điều là trở về nhà, trở về Việt Nam.
– Cô bị nhổ nước bọt thật á?
· Trong những năm 90 có không khí thù địch với người Việt. Điều đó đã xảy ra khi tôi biết đủ tiếng Đức để cãi lại. Ngoài ra, tôi cũng tìm được bạn bè. Và tôi được hỗ trợ rất nhiều từ thầy hiệu trưởng của trường tôi và của vợ ông, cũng là giáo viên. Tôi nghĩ rằng họ hào hứng vì tôi ham hiểu biết. Họ dạy tôi học thêm toán, tiếng Đức và hóa học ở nhà họ. Họ như là ông bà nội đối với tôi. Sự trưởng thành của tôi giờ đây là nhờ họ. Ở nhà chẳng ai có thể giúp tôi được.
– Cha cô là công nhân hiệp định chắc phải học tiếng Đức chứ?
· Trong thời gian CHDC Đức, cha tôi làm việc trong nhà máy chế biến thịt, vì vậy ông chẳng phải học câu cú tiếng Đức. Ngoài ra, cha mẹ tôi có rất ít thời gian: Họ phải dùng xe buýt chở đầy quần áo đi bán hết chợ này tới chợ khác.
– Làm sao cô lại chuyển tới Dresden?
· Sau khi học xong trung học, tôi học nghề trợ lý ăn kiêng. Vì vậy, cả gia đình tôi chuyển tới Dresden để hỗ trợ tôi. Cha mẹ tôi đã thôi bán quần áo và mở một cửa hàng rau quả ở Wilsdruff. Đó là một phần văn hóa của chúng tôi: Người Việt Nam sống vì người khác. Điều quan trọng là trong gia đình mọi người vì nhau.
– Ở Dresden cô có bị nhổ nước bọt nữa không?
· Tôi thấy Dresden là một thành phố đa văn hóa, đa dạng và cởi mở với thế giới – ở đây tôi có nhiều bạn. Trong khi học nghề, tôi cũng đã bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội như tham gia hội Zuckerstachel e.V, chăm lo cho những trẻ em mắc bệnh tiểu đường.
– Nghe chừng cô đã có thể đồng hóa. Giờ đây cô coi mình thế nào, là người Đức hay là người Việt Nam?
· Nếu cách đây 10 năm, tôi đã trả lời: Tôi là người Việt Nam tự hào. Tự hào về một dân tộc đã đánh đuổi được những tên chiếm đóng hùng mạnh như Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Sự tiêm nhiễm về lòng tự hào này tôi có được từ ông bà tôi và có lẽ tất cả trẻ em Việt Nam đều được nhận: Chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng cũng có khả năng xua đuổi những tên xâm lược độc ác. Cho tới nay, tôi cũng vẫn tự hào về nguồn gốc này. Nhưng tới một lúc nào đó, khi về Việt Nam, tôi không còn cảm thấy là nhà mình nữa, mà cảm thấy như một người khách. Tôi thấy mình dở dở, ương ương. Giờ đây, tôi cảm thấy mình là một người Đức gốc Việt.
– Điều đó thế nào?
· Tôi nhận thấy mình từ lâu đã có nhiều bạn Đức hơn bạn Việt Nam. Sau đó, tôi sinh con gái. Từ đó, tôi ý thức được rõ ràng: Emma cần có một trọng tâm vững chãi và tôi phải ý thức rõ được trọng tâm này. Giờ đây tôi đã biết: Sợi chỉ nối với Việt Nam đã bị cắt đứt. Ở đó tôi chỉ còn là „người từ phương Tây“.
– Tôi không nhìn thấy cô có bàn thờ ở cửa?
· Không, nhưng tôi tin vào việc thờ cúng tổ tiên và điều quan trọng là phải làm việc thiện trong đời. Tôi không muốn sau này tái sinh là con kiến.
– Có những sự trải nghiệm then chốt nào mà từ đó cô cảm thấy rõ ràng: Giờ đây tôi là người Đức hơn người Việt không?
· Ví dụ một lần về Việt Nam. Tôi cùng với chị em họ đi Picknick trên núi. Sau đó, họ muốn bỏ tất cả rác lại và tôi đã nói: Chúng ta phải mang về.
– Cô nói đúng: Việc phân loại rác nằm trong văn hóa Đức.
· Nghiêm túc mà nói: Cho dù tôi có tự hào về nguồn gốc của mình, nhưng cũng có những điều tôi rất khó chịu với những người đồng hương của mình: Như là vấn đề môi trường tự gây ra, nạn mê tín dị đoan, nạn tham nhũng, thiếu tự do tư tưởng và vấn đề giờ cao su.
– Cha mẹ cô phản ứng ra sao đối với khoảng cách ngày càng xa với nguồn gốc của cô?
· Tôi là người đầu tiên trong số họ hàng, người quen biết đưa một người bạn trai „mũi lõ“ về nhà. Trước hết, cha mẹ tôi phải „tiêu hóa“ được điều đó.
– Người ta thường nói người Việt Nam là người Phổ ở châu Á. Cô có nhìn thấy sự tương đồng giữa văn hóa thường nhật của người Việt và người Đức không?
· Ngoài nhiều sự khác biệt, tôi cũng nhận thấy có sự tương đồng. Cha mẹ Việt chịu đựng sự hy sinh lớn lao để con cái được học hành tốt, qua đó trong tương lai con cái sẽ được tốt hơn cha mẹ. Nói chung, giáo dục là một tài sản cao cả đối với người Việt và tương đồng với người Đức. Sự giáo dục theo phương châm „Con phải giỏi hơn người khác“ gắn liền với lịch sử Việt Nam và liên quan tới việc Việt Nam là một nước rất nghèo. Chúng tôi luôn phải nhớ là ở đây mình sống rất sung sướng so với ở Việt Nam.
Văn Long – Thoibao.de (Theo báo Đức)