Cuộc biểu tình của người Việt ở Đức sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Hôm thứ Bảy 12/08/2017 đã diễn ra một cuộc biểu tình ở Berlin thủ đô nước Đức. Liên hội người Việt tỵ nạn tại CHLB Đức đã đứng ra tổ chức cuộc biểu tình này nhằm mục đích:

Trước sự việc vi phạm Nhân Quyền và hành động coi thường Pháp Luật Quốc Tế ngày càng trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam chúng ta bắt buộc phải lên tiếng cảnh báo với chính quyền  và dân chúng Đức Quốc về sự đe dọa an ninh của những người Việt hoạt động cho Nhân quyền và Dân Chủ trong nước và hải ngoại.”

(Link bài viết : http://www.taz.de/Vietnamesen-in-Berlin/!5433745/ )

Báo chí Đức đã quan tâm và chú ý đến cuộc biểu tình này, điển hình là nhật báo TAZ trong số báo Thứ Hai 14/08/2017 đã đăng một bài tường thuật. Sau đây là bản dịch:

Người Việt lo sợ

CỘNG ĐỒNG: Cuộc biểu tình của người Việt ở Berlin sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

“Không chấp nhận Mật vụ Việt Nam trên Đất Đức”, “Nhân Quyền cho Việt Nam” và “Hãy trục xuất tức khắc tất cả nhà ngoại giao CSVN”. Đó là những hàng chữ trên các biểu ngữ tự làm được khoảng 70 người Việt, nam cũng như nữ, đến từ Berlin và vùng Bắc Đức, giương lên trong cuộc biểu tình: trước tiên tại Cỗng thành Brandenburg (Brandenburger Tor), sau đó kéo đến trước Đại sứ quán Việt Nam gần công viên Treptow (Treptower Park).

Họ biểu tình chống các vi phạm Nhân Quyền tại xứ sở của họ và chống việc mật vụ Việt Nam bắt cóc một cựu Đại biểu Quốc hội từ Berlin đem về Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một cuộc biểu dương tiếng nói trước công luận từ khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại khu vườn Tiergarten cách đây 3 tuần. Ông Thanh đã làm đơn xin tỵ nạn tại Berlin.

Từ khi Trịnh Xuan Thanh bị bắt cóc, tôi cảm thấy bất an trên nước Đức“, một người biểu tình nói với phóng viên tờ TAZ. Người đàn ông này đã vượt biên khỏi Việt Nam năm 1981 và đến Đức với tư cách thuyền nhân tỵ nan. Suốt cuộc đời ông ta đã làm việc tại Đức, bây giờ ông ta về hưu và dấn thân hoạt động trong Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức. Đây là hội đoàn đứng ra tổ chức cuộc biểu tình này. Liên Hội luôn luôn chú ý theo dõi những trường hợp người đối lập bị bắt tại Việt Nam để đưa ra ánh sáng công luận và thường có liên lạc với Bộ Ngoại giao Đức để vận động trả tự do cho họ. Đã có một trường hợp thành công. Tuy nhiên từ khi có vụ bắt cóc người Việt xảy ra, ông ta nói, cảm thấy lo sợ vì “có thể bị bắt ban đêm rồi bị đưa bí mật về Việt Nam“.

Bà Bác Sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm cầm loa phóng thanh. “Vụ việc bắt cóc một người Việt đang xin tỵ nạn là một sự vi phạm nặng nề chủ quyền nước Đức và là một sự phá vỡ nghiêm trọng Công pháp quốc tế“, bà nói. “Chúng tôi xem vụ việc này như là một sự cảnh cáo đang đe doạ và không thể lường được về sự an toàn của cộng đồng người Việt tỵ nạn chúng tôi“. Không loại trừ khả năng mật vụ và sứ quán Việt Nam tại Đức vẫn tiếp tục bí mật theo dõi những người Việt hoạt động cho Nhân Quyền tại Đức và đe dọa họ.

Hầu hết những người biểu tình là người miền Nam Việt Nam, họ là thuyền nhân tỵ nạn đến Tây Đức sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Năm 1975 khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, không những người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam, mà cả chính phủ Saigon được Mỹ bảo trợ và những người ủng hộ chính phủ phải đầu hàng.  Hậu quả là nhiều người Việt bị trừng phạt vì lý do chính trị và họ đã vượt biển đến châu Âu.

Những nhóm lớn hơn nhiều là những người hợp tác lao động thời Đông Đức và những người đến Đức sau năm 1990 (sau khi bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức thống nhất – chú thích của người dịch) không đến biểu tình). Những nhóm người Việt cho đến bây giờ vẫn còn xa lạ về văn hóa và chính trị với nhau. Lý do là tại vì bất đồng biểu tượng. Lá cờ vàng ba sọc đỏ được những người biểu tình giương lên, đó không phải là lá cờ của nước Việt Nam hiện tại, mà là lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa ở Sài Gòn bị thua trận năm 1975. Họ cũng hát quốc ca của​ Việt Nam Cộng Hoà.

Những biểu tượng này có thể các nhóm người Việt khác ở Berlin không đồng ý. Tuy nhiên những người thuyền nhân tỵ nạn không muốn từ bỏ lá cờ và quốc ca này, dù phải trả giá là họ chỉ có thể đứng riêng với nhau thôi. “Đó là một phần của bản sắc chúng tôi“, bà bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm cho biết.

Những lo lắng bất an cũng có trong các nhóm lớn ở các quận phía Đông. Lý do không tổ chức biểu tình là vì một số hội đoàn của họ như Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức có quan hệ tốt đẹp với Đại sứ quán Việt Nam (chi tiết này không đúng với thực tế hiện nay – chú thích của Thoibao.de). Tổ chức một cuộc biểu tình chống lại Đại sứ quán là điều không thể tưởng tượng được. “Nếu tôi cũng biểu tình tại Berlin, thì tôi lo sợ rằng mật vụ sẽ đe dọa thân nhân tôi ở Việt Nam“, một người Việt xuất xứ từ miền Bắc nói với phóng viên tờ TAZ.

MARINA MAI 

Mỹ Hoàng  (Biên dịch)